Lời ngỏ

Kính thưa quý bạn đọc!

Sau khi Quốc hội phát đi lời kêu gọi góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, đã có nhiều ý kiến góp ý công

khai được đăng tải trên mạng chính thức cũng như không chính thức, thể hiện được sự quan tâm của người dân nói chung về việc sửa đổi Hiến pháp lần này; đồng thời, thể hiện rõ tính dân chủ, minh bạch và rất thiện chí trong chủ trương lấy ý kiến đóng góp của Quốc hội...

Trong các ý kiến nêu ra, mỗi ý kiến đều thể hiện góc nhìn, quan điểm, lập trường, trình độ hiểu biết khác nhau, như vậy cũng là dịp để Quốc hội "thấy" được sự đa dạng trong các giai tầng xã hội. Chắc chắn việc tiếp thu ý kiến đóng góp sẽ không thể gom hết, bổ sung hết... mà cần phải sàng lọc, đánh giá và rút tỉa ra được cái tinh tuý vừa mang tính tiến bộ vừa mang tính phổ quát. Để làm được việc này, Quốc hội hẳn sẽ phải làm việc hết sức nghiêm túc, có trách nhiệm và khoa học.

Các ý kiến đóng góp có thể được ghi nhận để bổ sung (toàn bộ, hoặc một phần), cũng có thể chỉ để tham khảo... là công dân có trách nhiệm và có tinh thần xây dựng sẽ không lấy làm bức xúc nếu ý kiến mình chưa được ghi nhận.

Blog này được lập ra nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của Quốc hội. Với mong muốn sẽ là diễn đàn truyền tải đến bạn đọc những ý kiến mang tính xây dựng tích cực; ngược lại, cũng là cơ hội để chỉ ra những sai lầm, thiếu thiện chí từ các ý kiến góp ý được loan truyền trong thời gian qua. Chúng tôi cũng đặc biệt xin phép đăng lại bài viết từ các diễn đàn để phổ biến đến bạn đọc trước khi hỏi ý kiến tác giả, tác giả nào không đồng ý xin vui lòng phản hồi, chúng tôi sẽ rút bài viết xuống.

Trên tinh thần ấy, chúng tôi rất mong được quý bạn đọc quan tâm, ủng hộ!

Liên hệ: tanhienphap2013@gmail.com

Xin trân trọng!

Chủ Nhật, 21 tháng 4, 2013

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992: Chủ nghĩa hợp hiến hiện đại ở Việt Nam trong thế kỷ 21

1. Giới thiệu
Theo Charles Howard McIlwain (1871-1968), một nhà hiến pháp học thuộc Đại học Harvard, “chủ nghĩa hợp hiến” có một thuộc tính bản chất: nó là những giới hạn pháp lý đối với chính quyền; nó là phản đề của lối cai trị tùy tiện; nó ngược lại với chính quyền chuyên chế, chính quyền của ý muốn thay vì chính quyền của luật pháp”[1]. Chủ nghĩa hợp hiến thường được hiểu theo hai phương diện: một trường phái tư tưởng chính trị, pháp lý và một hệ thống sắp xếp các thực hành chính trị, pháp lý[2]. Theo nghĩa tư tưởng, chủ nghĩa hợp hiến chỉ các quan niệm về một chính phủ giới hạn; theo nghĩa thực tế, chủ nghĩa hợp hiến chỉ một chế độ chính quyền trong đó có các sắp xếp về chính trị, pháp lý để đảm đảo quyền lực của chính quyền được giới hạn.

Ngay nay, chủ nghĩa hợp hiến đã mở rộng trên toàn cầu. Trong khoảng gần ba thập kỷ trở lại đây, các quốc gia mới nổi hoặc các quốc gia xây dựng lại đã tiến hành các sắp xếp chính trị, pháp lý theo những tiêu chuẩn của chủ nghĩa hợp hiến hiện đại như: hiến pháp thành văn, quyền con người, chính phủ dân chủ, phân chia quyền lực, kìm chế và đối trọng, bảo hiến tư pháp, tư pháp độc lập[3].
Làn sóng toàn cầu hóa chủ nghĩa hợp hiến hiện đại cũng lan rộng đến khu vực Đông Á. Các nền dân chủ mới nổi ở Đông Á từ hồi cuối thế kỷ 20 như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đã tiến hành cải cách thể chế theo tiêu chuẩn của chủ nghĩa hợp hiến hiện đại[4]. Đầu thế kỷ 21, vấn đề “xây dựng chủ nghĩa hợp hiến ở Trung Quốc” đã được các học giả thảo luận rộng rãi[5]. Tương tự, đầu thế kỷ này, Việt Nam chứng kiến các thảo luận và yêu cầu đổi mới thể chế hiến pháp theo các tiêu chuẩn của chủ nghĩa hợp hiến hiện đại. Phản ánh các thảo luận và các yêu cầu thực tế trong hơn một thập kỷ qua, bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 của Việt Nam (gọi tắt là Dự thảo Hiến pháp) đã được đem tham vấn công chúng (từ ngày 2/1/2013 đến 31/3/2013) cho thấy sự phát triển ban đầu của chủ nghĩa hợp hiến hiện đại ở Việt Nam.
Bài viết này đặt Dự thảo Hiến pháp trong khung cảnh toàn cầu hóa chủ nghĩa hợp hiến hiện đại để xem xét. Không đi vào những điều khoản hay các vấn đề chi tiết, bài viết chỉ ra các biểu hiện chung của chủ nghĩa hợp hiến hiện đại trong Dự thảo, phân tích các yếu tố tác động tới sự thảo luận và ghi nhận các biểu hiện đó, kết luận bằng việc chỉ ra những giới hạn và triển vọng.
2. Các biểu hiện của chủ nghĩa hợp hiến hiện đại trong Dự thảo Hiến pháp
Trong một nghiên cứu thực nghiệm công phu về sự ổn định của các hiến pháp quốc gia, ba nhà hiến pháp học người Mỹ, Zachary Elkins, Tom Ginsburg, và James Melton, đã khảo sát hơn 500 bản hiến pháp thành văn trên thế giới và kết luận rằng, trên thực tế, đời sống trung bình của hiến pháp là 19 năm[6]. Sửa đổi một cách toàn diện bản Hiến pháp hiện hành (được ban hành năm 1992) trong lúc này phản ánh quy luật chung về đời sống trung bình của hiến pháp quốc gia.
Sau những thập kỷ nhất định, người dân trong một quốc gia hình thành những nhu cầu mới căn bản, những mục tiêu mới căn bản trong một bối cảnh mới căn bản, và điều này dẫn đến nhu cầu điều chỉnh luật căn bản – hiến pháp. Nếu tinh thần căn bản của Hiến pháp 1992 là đổi mới thể chế kinh tế theo chuẩn mực của nền kinh tế thị trường (định hướng xã hội chủ nghĩa), thì tinh thần căn bản của Dự thảo Hiến pháp là đổi mới thể chế chính trị bước đầu theo một số giá trị của chủ nghĩa hợp hiến hiện đại.
Tuy nhiên, khi nhận định rằng Dự thảo Hiến pháp phản ánh một số giá trị của chủ nghĩa hợp hiến hiện đại, chúng tôi không có ý coi các giá trị của chủ nghĩa hợp hiến hiện đại là các tiêu chuẩn lý tưởng để đánh giá sự sắp xếp và thực hành các thể chế hiến pháp[7]. Chúng tôi đơn giản muốn chỉ ra các giá trị đó đã ảnh hưởng đến các thảo luận về hiến pháp và phản ánh trong Dự thảo Hiến pháp như thế nào.
2.1. Hiến pháp và chủ quyền lập hiến
Chủ nghĩa hợp hiến hiện đại đặc trưng bởi việc sử dụng hiến pháp thành văn như một hình thức để biểu đạt công khai các giới hạn pháp lý đối với quyền lực công cộng[8]. Một trong những điểm đặc trưng trong các thảo luận về phát triển và sửa đổi Hiến pháp ở Việt Nam một thập kỷ vừa qua là xu hướng đổi mới quan niệm về hiến pháp theo tinh thần của chủ nghĩa hợp hiến hiện đại. Cụ thể, người ta chứng kiến những quan niệm đổi mới về bản chất của hiến pháp, chức năng của hiến pháp, và chủ quyền lập hiến.
Về bản chất của hiến pháp, trước đây, nhìn chung người ta chấp nhận quan niệm hiến pháp là một văn bản của nhà nước. Tuy nhiên trong một thập kỷ qua, các học giả, các luật sư, một số nhà lập pháp, và một số nhà hoạt động chính trị khác đã viện dẫn tư tưởng của các nhà khai sáng để chủ trương hiến pháp cần phải được quan niệm như một bản khế ước xã hội, một bản thỏa thuận chung của nhân dân. Cùng với sự thay đổi quan niệm về bản chất của hiến pháp như vậy, người ta cũng chủ trương quan niệm lại chức năng của hiến pháp. Trước đây, hiến pháp nhìn chung được xem như một văn bản tổ chức bộ máy nhà nước. Trong một thập kỷ qua, các học giả và nhiều người khác đã cho rằng hiến pháp cần phải được xây dựng không phải đơn thuần chỉ như một văn bản tổ chức bộ máy nhà nước mà còn phải có chức năng giới hạn quyền lực của nhà nước. Sự thay đổi trong quan niệm về bản chất, chức năng của hiến pháp dẫn đến sự thay đổi trong quan niệm về chủ thể của quyền lập hiến. Do hiến pháp được xem như một khế ước xã hội của nhân dân giới hạn quyền lực của nhà nước, người ta tiến đến quan niệm rằng chủ quyền lập hiến thuộc về nhân dân, không phải thuộc về nhà nước. Trên cơ sở đó, bản hiến pháp mới được nhiều người đề nghị là phải được đem trưng cầu dân ý. Để bảo vệ và củng cố luận điểm này, cùng với lý thuyết khế ước xã hội, tư tưởng lập hiến của Hồ Chí Minh và Hiến pháp 1946 được viện dẫn rộng rãi[9]. Những quan điểm đổi mới trên có những tác động nhất định đến quy trình sửa đổi hiến pháp và nội dung Dự thảo Hiến pháp.
Trước tiên, những quan điểm đổi mới về hiến pháp đã có tác động tích cực đến quy trình sửa đổi hiến pháp. Quan niệm chủ quyền lập hiến thuộc về nhân dân và yêu cầu học thuật về trưng cần dân ý hiến pháp dù không dẫn đến sự trưng cần dân ý thực tế đối với hiến pháp mới nhưng có tác động làm cho quy trình sửa đổi hiến pháp có tính chất cởi mở hơn và có tính chất tham gia rộng rãi hơn. Điều này có thể chứng minh bằng: thảo luận của Quốc hội về Dự thảoHiến pháp sửa đổi được truyền hình trực tiếp; Dự thảo Hiến pháp sửa đổi được công bố công khai trên trang điện tử http://duthaoonline.quochoi.vn của Quốc hội ngay từ khi chưa chính thức đem lấy ý kiến nhân dân; nhận thức tầm quan trọng của tham gia công cộng, Quốc hội ban hành một Nghị quyết về lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Hiến pháp sửa đổi; Ủy ban Sửa đổi Hiến pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai việc lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo Hiến pháp; nội dung lấy ý kiến nhân dân không có giới hạn. Có thể nói, đây là những phát triển mới, phần nào phản ánh nhận thức về hiến pháp là văn bản nhân dân.
Nội dung Dự thảo Hiến pháp sửa đổi cũng phần nào phản ánh các quan niệm khế ước xã hội về hiến pháp và chủ quyền phổ thông đối với hiến pháp. Điều này tiêu biểu ở khẳng định nhân dân Việt Nam xây dựng Hiến pháp trong Lời nói đầu của Dự thảo Hiến pháp: “Nhân dân Việt Nam, với truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng, xây dựng và thi hành Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Trong chính văn Dự thảo Hiến pháp, liên quan đến quyền lập hiến, quy định “Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến” (Điều 83, Hiến pháp hiện hành) được sửa thành “Quốc hội thực hiện quyền lập hiến” (Điều 74, Dự thảo Hiến pháp sửa đổi). Sự thừa nhận Quốc hội không duy nhất thực hiện quyền lập hiến phản ánh quan niệm hiến pháp của nhân dân và mở ra khả năng quyền lập hiến có thể thực hiện bởi nhân dân.
Một biểu hiện khác liên quan đến quy định mới trong Dự thảo Hiến pháp về quy trình sửa đổi hiến pháp: “Dự thảo Hiến pháp được thông qua khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Quốc hội quyết định” (Điều 124). Mặc dù điều này không khẳng định trưng cầu dân ý như một quy trình bắt buộc nhưng phần nào mở ra khả năng trưng cần dân ý đối với Hiến pháp.
2.2. Phân công quyền lực
Phân quyền là một nội dung cốt yếu của chủ nghĩa hợp hiến hiện đại[10]. Về cơ bản, như một tác giả đã viết, “chúng ta không xây dựng nhà nước ta theo lý luận về tam quyền phân lập, nhưng có tham khảo và tiếp thu nhân tố hợp lý của lý luận đó”[11]. “Nhân tố hợp lý” đó là sự phân công trong lao động quyền lực. Điều này đã được phản ánh trong lần sửa đổi Hiến pháp năm 2001 ở Điều 2: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Sau sửa đổi Hiến pháp năm 2001, một số học giả cho rằng, dù Điều 2 khẳng định phân công quyền lực, nhưng các điều khoản sau này của Hiến pháp về Quốc hội, Chính phủ, Tòa án chưa thể hiện rõ tinh thần phân công đó. Điều được quan tâm ở đây là: Quốc hội đã được xác định là cơ quan lập pháp, nhưng cơ quan nào là cơ quan hành pháp, và cơ quan nào là cơ quan tư pháp? Hiến pháp chỉ xác định Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất và Tòa án là cơ quan xét xử. Do đó, liên quan đến sửa đổi Hiến pháp lần này, các học giả đề nghị cần xác định rõ các cơ quan thực hiện ba loại quyền.
Đề nghị này đã được phản ánh trong Dự thảo Hiến pháp. Quốc hội vẫn tiếp tục được xác định là cơ quan thực hiện quyền lập pháp (Điều 74); Chính phủ được quy định mới là cơ quan thực hiện quyền hành pháp (Điều 99); và Tòa án được quy định mới là cơ quan thực hiện quyền tư pháp (Điều 107). Như vậy, Dự thảo Hiến pháp tiến thêm một bước trong việc áp dụng “nhân tố hợp lý” của học thuyết phân quyền bởi việc xác định đích danh ba cơ quan thực thi ba loại quyền có khả năng, ít nhất về lý thuyết, tăng cường sự độc lập trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, và tư pháp – một tinh thần căn bản của chủ nghĩa hợp hiến hiện đại. Ý tưởng ở đây là nếu chỉ là sự “phân công” giữa các quyền, một loại quyền có thể được thực hiện bởi các cơ quan khác nhau, nhưng nếu xác định cụ thể Quốc hội – lập pháp, Chính phủ – hành pháp, và Tòa án – tư pháp, thì một cơ quan không thể thực hiện hơn một loại quyền.
2.3. Kiểm soát quyền lực
Cùng với phân quyền, những hình thức “kìm chế và đối trọng” là những giới hạn cấu trúc đặc trưng của các chính quyền hợp hiến hiện đại. Nhìn chung, tư duy về “kìm chế và đối trọng” không được áp dụng trong việc xây dựng hệ thống hiến pháp ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong một thập kỷ qua, tư duy nổi lên về “kiểm soát quyền lực nhà nước”[12] ở Việt Nam đã có những điểm tương đồng nhất định đối với tư duy của chủ nghĩa hợp hiến về “kìm chế và đối trọng”. Quan trọng hơn, tư duy về “kiểm soát quyền lực nhà nước” được khẳng định trong Văn kiện của Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Phản ánh những tư duy đổi mới về kiểm soát quyền lực và theo định hướng của Đảng, Dự thảo Hiến pháp khẳng định tại Điều 2 nguyên tắc “kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Khẳng định này có hai ý nghĩa đổi mới: thứ nhất, việc chấp nhận sự “kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước” hàm ý rằng, mỗi ngành quyền lực đều có những phương tiện nhất định kiểm soát các ngành quyền lực còn lại.Thứ hai, khi các ngành quyền lực nhà nước đều có các phương tiện để ảnh hưởng đến nhau, điều này cũng hàm ý vị thế tương đối bình đẳng giữa các ngành quyền lực nhà nước.
2.4. Chế độ bảo hiến
Chế độ bảo hiến tư pháp là một đặc trưng của chủ nghĩa hợp hiến hiện đại, một chế độ cho phép các tòa án thường (trong mô hình phi tập trung hóa theo kiểu của Mỹ) hoặc tòa án hiến pháp đặc biệt (trong mô hình tập trung hóa theo kiểu của châu Âu) được quyền phán xét và vô hiệu hóa các đạo luật và các hành vi chính trị khác được cho là bất hợp hiến[13].
Ít nhất là từ sau thống nhất đất nước cho đến tận cuối thế kỷ trước, chế độ bảo hiến tư pháp không được thảo luận ở Việt Nam do được xem là sản phẩm của “tư sản”. Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi từ đầu thế kỷ này. Ngay từ lần sửa đổi Hiến pháp năm 2001, đã có một số bàn luận về chế độ bảo hiến tư pháp. Nhưng phải đến từ khi Đại hội X của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2006 khẳng định mạnh mẽ chủ trương  “Xây dựng cơ chế phán quyết về những vi phạm Hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp”[14], các thảo luận về đổi mới bảo hiến ở Việt Nam mới trở nên nở rộ với sự xuất hiện số lượng lớn các bài báo, sách, hội thảo, tọa đàm khoa học bàn về chủ đề này. Trong bối cảnh đó, khuynh hướng chung của các học giả, luật sư, và một số người khác ở Việt Nam là ủng hộ việc thiết lập chế độ bảo hiến tư pháp như một tòa án hiến pháp[15]. Đây là một trong những phát triển quan trọng nhất của tư duy hiến pháp ở Việt Nam trong thế kỷ 21 theo tinh thần của chủ nghĩa hợp hiến hiện đại.
Phản ánh ở một mức độ nhất định các thảo luận và yêu cầu đổi mới bảo hiến ở Việt Nam trong hơn một thập kỷ, Dự thảo Hiến pháp dự trù thành lập một Hội đồng Hiến pháp (Điều 120). Về mặt cấu trúc, Hội đồng Hiến pháp do Quốc hội thành lập. Về thẩm quyền, nó có thể kiểm tra và kiến nghị về tính hợp hiến của các văn bản pháp luật do các định chế trung ương ban hành và của các điều ước quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước Việt Nam. Như vậy, Hội đồng Hiến pháp không có thẩm quyền quyết định, những gì nó có thể làm là phát hiện và kiến nghị. Có thể thấy, Hội đồng Hiến pháp không thay thế mà là một sự bổ sung vào hệ thống bảo hiến có tính chất chính trị hiện hành. Các định chế bảo hiến hiện hành như Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ vẫn được giữ nguyên quyền bảo hiến nhưng sẽ hành động với sự hỗ trợ và kiến nghị của Hội đồng Hiến pháp.
2.5. Quyền con người, quyền công dân
Bảo vệ quyền con người được xem là mục đích trung tâm của chủ nghĩa hợp hiến hiện đại[16]. Ở Việt Nam, khái niệm quyền con người đã chính thức xuất hiện trong Hiến pháp 1992 và Hiến pháp này cũng đã có một chương riêng về quyền con người, quyền công dân. Tuy nhiên, trong một thập kỷ thảo luận về phát triển hiến pháp, một số học giả cho rằng các quy định về quyền con người, quyền công dân cần phải được xác định như là các giới hạn pháp lý đối với quyền lực công cộng – một trong những tư duy tiêu biểu của chủ nghĩa hợp hiến hiện đại, chứ không phải là những quyền do nhà nước ban cấp.
Dự thảo Hiến pháp đã có những điều chỉnh về quyền con người, quyền công dân theo tinh thần chung của chủ nghĩa hợp hiến hiện đại và luật nhân quyền quốc tế. Dự thảo đã nhấn mạnh việc bảo vệ và xúc tiến quyền con người ở bốn điểm. Thứ nhất, bổ sung danh từ “quyền con người” vào tên chương để hình thành chương “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”. Thứ hai, chương này được chuyển thành Chương 2, ngay sau Chương về chế độ chính trị, thay vì ở Chương 5 như hiện nay. Thứ ba, trong nội dung chương một số quyền con người được bổ sung, như quyền sống (Điều 21). Thứ tư, cách thức diễn đạt gợi một ấn tượng mới về các quyền như là các quyền phổ biến, căn bản của con người thay vì là các quyền do nhà nước ban cấp: “mọi người” hay “công dân” thay vì “nhà nước” (như Hiến pháp hiện nay) được diễn đạt như là chủ thể trong các quy phạm về quyền.
2.6. Tư pháp độc lập
Tư pháp độc lập là một bảo đảm đối với quyền con người, một yêu cầu phổ biến của chủ nghĩa hợp hiến hiện đại[17]. Vấn đề tư pháp độc lập ở Việt Nam không phải là vấn đề mới nhưng được thảo luận tích cực hơn trong thế kỷ này[18]. Dự thảo Hiến pháp cũng có những bước tiến mới liên quan đến tư pháp độc lập. Thứ nhất, Tòa án chính thức được xác định là cơ quan thực thi quyền tư pháp (Điều 107). Điều này, về lý thuyết, hàm ý quyền tư pháp sẽ không được thực hiện ngoài khuôn khổ tòa án. Thứ hai, Tòa án được xác định mục đích trước tiên là bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân (Điều 107). Thứ ba, để bảo đảm sự độc lập xét xử của tòa án, Dự thảo Hiến pháp bổ sung quy định: “nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm” (Điều 108).
3. Các yếu tố tác động
Đâu là các yếu tố tác động đến sự bắt đầu nổi lên của các thảo luận hiến pháp ở Việt Nam theo tinh thần của chủ nghĩa hợp hiến hiện đại và sự bắt đầu phản ánh chúng trong Dự thảo Hiến pháp?
Liên quan đến việc sửa đổi hiến pháp ở Việt Nam lần này, một định hướng quan trọng là việc sửa đổi hiến pháp phải phù hợp với “xu thế của thời đại”. Định hướng này được nêu ra trong Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sửa đổi Hiến pháp và liên tục được nhấn mạnh trong các phiên họp của Ủy ban sửa đổi Hiến pháp và Thường trực Ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Xét tổng quát nhất, đây là một chủ trương khá mới, ít nhất là trong sự so sánh với việc sửa đổi Hiến pháp năm 2001. Nếu hiến pháp sửa đổi phù hợp với xu thế của thời đại, nó phải phù hợp với xu thế chung của sự phát triển hiến pháp đang diễn ra trên thế giới hiện nay. Trong khi đó, xu hướng chung của sự phát triển hiến pháp trên thế giới hiện nay là sự mở rộng có tính chất toàn cầu của các chuẩn mực, các quan niệm, các thể chế của chủ nghĩa hợp hiến hiện đại. Điều này giải thích những biểu hiện nhất định của một số quan niệm của chủ nghĩa hợp hiến hiện đại trong Dự thảo Hiến pháp như đã trình bày. Tuy nhiên, cần phải giải thích đâu là các yếu tố làm cho làn sóng toàn cầu hóa chủ nghĩa hợp hiến hiện đại có thể tác động đến các thảo luận hiến pháp và phát triển hiến pháp thực tế ở Việt Nam. Với những xem xét bước đầu, chúng tôi cho rằng, điều này có thể được giải thích bởi các nguyên nhân có tính chất thực tế và nhận thức sau:
Nguyên nhân thực tế là nhu cầu của xã hội về việc hiện đại hóa hệ thống hiến pháp và các quyền hiến định khởi xuất từ sự phát triển của Việt Nam sau gần ba thập kỷ thực hiện cải cách mở cửa theo cơ chế kinh tế thị trường (định hướng xã hội chủ nghĩa). Những thành tựu của đổi mới kinh tế kéo theo những phát triển quan trọng trên nhiều phương diện khác, gồm cả những thay đổi về nhận thức hiến pháp. Sự phát triển của một nền kinh tế đa thành phần, và đặc biệt là sự lớn mạnh của các thành phần kinh tế tư nhân đã dẫn đến những tư duy mới và đòi hỏi mới về quyền, về tự do cá nhân, về kiểm soát công lực. Cụ thể hơn, nền kinh tế nhiều thành phần đòi hỏi một trật tự pháp lý dựa trên quyền: không chỉ là quyền tự do kinh doanh, mà còn hàng loạt những quyền khác kèm theo như quyền sở hữu, quyền lao động, quyền lập hội, quyền được hưởng bảo hiểm, quyền được xây dựng… Cùng với những sự mở rộng của thực tế các quyền và các thảo luận về quyền là những nhận thức về nhu cầu kiểm soát quyền lực của công quyền, phân công quyền lực mạch lạc bởi theo nguyên lý của chủ nghĩa tự do hiện đại,các cá nhân sẽ được tự do nhiều hơn khi chính quyền tự do ít hơn.
Về nguyên nhân nhận thức, sự phát triển của tư duy hiến pháp ở Việt Nam do sự tác động của luật hiến pháp so sánh đã định hướng lại các thảo luận hiến pháp và phát triển hiến pháp ở Việt Nam theo tinh thần của chủ nghĩa hợp hiến hiện đại. Sự tác động của luật hiến pháp so sánh do các nhân tố:
Trước tiên là sự tác động của các tác phẩm dịch thuật. Ngoài hai tác phẩm kinh điển của luật học và chính trị học, Tinh thần Pháp luật của Ch.S. Montesquieu và Khế ước Xã hội của J.J. Rousseau, được dịch giả hoàn thiện các bản dịch trước đây và xuất bản lại[19], lần đầu tiên trong thế kỷ này chứng kiến sự xuất hiện ở Việt Nam bản dịch của các tác phẩm kinh điển khác liên quan đến sự phát triển của các tư duy tự do về chính quyền và hiến pháp, gồm Khảo luận thứ hai về Chính quyền[20] của John Locke, Bàn về Tự do[21]và Chính thể Đại diện[22]của John Stuart Mill, Nền dân trị M[23] của Alexis De Tocqueville, những ghi chép của James Madison về các thảo luận trong Đại hội Hiến pháp Philadelphia ở Mỹ năm 1787[24]. Các bản dịch này đóng góp quan trọng vào sự phát triển tư duy hiến pháp ở Việt Nam theo hướng chủ nghĩa hợp hiến hiện đại. Ngoài ra, các sách, báo dịch hoặc giới thiệu các tư duy và hệ thống hiến pháp nước ngoài cũng đóng góp vào việc thay đổi tư duy hiến pháp ở Việt Nam.
Ngoài các tác phẩm dịch thuật, sự giao lưu học thuật cũng dẫn đến sự tác động của luật hiến pháp so sánh đối với sự phát triển của tư duy hiến pháp ở Việt Nam. Một mặt, thông qua một số chương trình trao đổi học giả, một số học giả Việt Nam có điều kiện tiếp cận với một số trường luật ở các nước phương Tây. Các nghiên cứu của họ về sau có tác dụng giới thiệu các tư duy mới về hiến pháp và pháp luật. Ngược lại, trong thời gian qua, cũng có một số học giả hiến pháp ở nước ngoài đến Việt Nam để trao đổi học thuật. Điều này cũng tạo nên sự phát triển nhất định của tư duy hiến pháp ở Việt Nam. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, Việt Nam có những học giả, luật sư được đào tạo luật bậc cao ở các trường luật phương Tây, như Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan, Anh, và Mỹ. Các bài viết của họ, các diễn đàn thông qua đó họ trao đổi với các học giả khác và các nhà lập pháp có ý nghĩa thúc đẩy những tư duy mới về hiến pháp ở Việt Nam theo khuynh hướng của chủ nghĩa hợp hiến hiện đại.
Liên quan đến các nhà lập pháp và thảo hiến, sự thay đổi tư duy hiến pháp do sự thay đổi nhận thức hiến pháp chung của xã hội, của ngành hiến pháp học trong nước, các chuyến tham vấn quốc tế tìm hiểu kinh nghiệm lập hiến ở các quốc gia khác nhau.
4. Giới hạn và triển vọng
Sau khi Quốc hội khóa I thông qua bản Hiến pháp 1946, Hồ Chí Minh nhận định rằng bản hiến pháp này có thể chưa hoàn thiện nhưng nó đã được làm ra theo một hoàn cảnh thực tế[25]. Cũng có thể nhận định tương tự về bản Dự thảo Hiến pháp hiện nay.
Trước tiên, bản Dự thảo Hiến pháp có thể có những điểm chưa hoàn thiện: mong muốn về chủ quyền lập hiến thuộc về nhân dân chưa được xác định rõ ràng khi trưng cần dân ý chưa được coi là bắt buộc trong quy trình lập hiến; các thể chế của việc kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, và tư pháp chưa được xác định cụ thể; Hội đồng Hiến pháp là một cơ quan bảo hiến có tính chất tư vấn; sự mâu thuẫn có thể giữa nguyên tắc xét xử độc lập với cơ chế giám sát tư pháp của Quốc hội và Viện kiểm sát… Nói chung, Dự thảo Hiến pháp mới chỉ phản ánh một số quan niệm của chủ nghĩa hợp hiến hiện đại thay vì những thể chế cụ thể của nó, ngoại trừ Hội đồng Hiến pháp.
Tuy nhiên, bản Dự thảo Hiến pháp đã được làm ra theo một hoàn cảnh thực tế. Nó vừa vặn với điều kiện về chế độ chính trị và nhận thức chính trị – hiến pháp – pháp lý của người dân Việt Nam trong bối cảnh hiện tại. Xét một cách lý tưởng hóa, người ta có thể chỉ ra những điểm chưa hoàn thiện của nó như trên. Nhưng xét một cách bối cảnh hóa, đó là những giới hạn mà Dự thảo Hiến pháp khó có thể đi xa hơn.
Tư duy hiến pháp “nội tại” của triết gia Đức Hegel có thể hữu ích thể khép lại thảo luận này: “Hiến pháp của một dân tộc nói chung tùy thuộc vào đặc tính và sự phát triển của sự tự nhận thức của dân tộc đó […]. Mỗi một dân tộc có một hiến pháp phù hợp với nó […]. Hiến pháp của một dân tộc phải phản ánh cảm nhận của dân tộc đó về quyền và về những điều kiện của nó […]. Các cá nhân có thể thực sự cảm nhận được nhu cầu và mong muốn về một hiến pháp tốt đẹp hơn, nhưng làm cho đại chúng có một cảm nhận như vậy là một câu chuyện khác, và điều này diễn ra muộn hơn khá lâu”[26]./.

[1] Charles Howard McIlwain, Constitutionalism: Ancient and Modern (Clark, New Jersey: The Lawbook Exchange, Ltd, 2005), p. 24.
[2] Albert H. Chen, “Pathways of Western Liberal Constitutional Development in Asia: A Comparative Study of Five Major Nations”, 8 International Journal of Constitutional Law (2010): 849-850.
[3] Jiunn-Rong Yeh & Wen-Chen Chang, “The Changing Landscape of Modern Constitutionalism: Transitional Perspective” National Taiwan University Law Review  4 (1)/(2009):145-183.
[4]Jiunn-Rong Yeh & Wen-chen Chang “The Emergence of Asian Constitutionalism: Features in Comparison”, 59(3) American Journal of Comparative Law (2011): 805-839.
[5]Balme and Michael W.Dowdle, ed., Building Constitutionalism in China (New York: Palgrave Macmillan, 2009).
[6]Zachary Elkins, Tom Ginsburg, James Melton, The Endurance of National Constitutions (Cambridge; New York: Cambridge University Press, 2009).
[7]Chủ nghĩa hợp hiến hiện đại dựa trên chủ nghĩa tự do trong khi chủ nghĩa tự do đang bị thách thức đáng kể bởi chủ nghĩa cộng đồng do các triết gia chính trị phương Tây khởi xướng và phát triển. Sự thách thức của chủ nghĩa cộng đồng đối với chủ nghĩa tự do cũng hàm chứa sự thách thức đối với chủ nghĩa hợp hiến hiện đại. Đây là một vấn đề khác và cần những thảo luận độc lập.
[8]Tuy nhiên, chủ nghĩa hợp hiến nói chung là những giới hạn pháp lý đối với quyền lực công cộng và không đồng nghĩa với sự tồn tại của một bản hiến pháp thành văn. Kể cả chủ nghĩa hợp hiến hiện đại cũng không nhất thiết gắn liền với một hiến pháp thành văn. Chủ nghĩa hợp hiến ở Anh là một điển hình. A.V. Dicey, General Characteristics of English Constitutionalism (Oxford; New York, N.Y.: Peter Lang, 2009).
[9] Tiêu biểu cho những quan điểm đổi mới về bản chất, chức năng của hiến pháp, và chủ quyền lập hiến theo tinh thần của chủ nghĩa hợp hiến hiện đại, xem: Nguyễn Đăng Dung, Sự hạn chế quyền lực nhà nước, Nxb. Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2005; Đào Trí Úc, “Hiến pháp trong đời sống xã hội và quốc gia”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 17(178), tháng 9/2010; Nguyễn Như Phát, “Hiến pháp không phải để ban ơn cho nhân dân”, xem:http://phapluattp.vn/20120902111641122p0c1013/hien-phap-khong-phai-de-ban-on-cho-nhan-dan.htmCựu chủ tịch Quốc hội bàn chuyện sửa Hiến pháp, xem: http://www.tuanvietnam.net/2010-06-24-cuu-chu-tich-quoc-hoi-ban-viec-sua-hien-phapNguyễn Sĩ Dũng, Khế ước Xã hộihttp://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid= 116&CategoryID =42&News=6036
[10]M.J.C. Vile, Constitutionalism and the Separation of Powers (Indianapolis: Liberty Fund, 1998).
[11] Đào Duy Tùng, Quá trình hình thành con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam (Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004), tr.209, dẫn theo: Lê Minh Thông, “Những yêu cầu của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đối với việc đổi mới mô hình bộ máy Nhà nước”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 16 (177), tháng 8/2010, tr. 10.
[12]Trịnh Thị Xuyến, Kiểm soát quyền lực nhà nước- Một số vấn đề lý luận và thực tiễn ở Việt Nam hiện nay,Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2008; Trương Thị Hồng Hà, “Kiểm soát việc thực hiện quyền lập pháp: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 4/2010, tr. 23; Lê Văn Cảm và Dương Bá Thành, “Cơ chế kiểm soát quyền lực tư pháp trong Nhà nước pháp quyền: Một số vấn đề lý luận và thực trạng ở Việt Nam”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 12/2010, tr. 3; Lê Văn Cảm và Nguyên Cảnh Hợp, “Thực trạng tổ chức, thực hiện và kiểm soát quyền lực nhà nước ở Việt Nam”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 5/2011, tr. 28.
[13]Mauro Cappelletti, Judicial Review in the Contemporary World (New York: The Bobbs-Merill Company, 1971); Allan R.Brewer- Carías, Judicial Review in Comparative Law (Cambridge and New York: Cambridge University Press, 1989).
[14] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ X của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, 127.
[15]Về sự nổi lên của các thảo luận về bảo hiến ở Việt Nam, chúng tôi đã trình bày chi tiết trong: Bùi Ngọc Sơn,Góp bàn về Sửa đổi Hiến pháp ở Việt NamNxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2012, tr. 269-278.
[16] Ronald Dworkin, “Constitutionalism and Democracy,” 3 European Journal of Philosophy (1995): 1.
[17] Peter H. Russell & David M. O’Brien eds., Judicial Independence in the Age of Democracy (Charlottesville and London: University Press of Virginia, 2001).
[18] Tô Văn Hòa, Tính độc lập của Toà án: Nghiên cứu pháp lý về các khía cạnh lý luận, thực tiễn ở Đức, Mỹ, Pháp, Việt Nam và các kiến nghị đối với Việt Nam, Nxb. Lao động, Hà Nội, 2007; Lưu Tiến Dũng, Độc lập xét xử trong Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2012; Nguyễn Đăng Dung & Vũ Công Giao, “Tư pháp độc lập: một số vấn đề lý luận và thực tiễn,” Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 19+20/2012.
[19] Ch.S. Montesquieu, Bàn về Tinh thần Pháp luật, Hoàng Thanh Đạm dịch, Nxb. Lý luận Chính trị, Hà Nội, 2004;  J.J. Rousseau, Bàn vềKhế ước Xã hội, Hoàng Thanh Đạm dịch, Nxb. Lý luận Chính trị, Hà Nội, 2004.
[20] John Locke, Khảo luận Thứ hai về Chính quyền, Lê Tuấn Huy dịch, Nxb. Tri thức,  Hà Nội, 2007.
[21] John Stuart Mill, Bàn về Tự do, Nguyễn Văn Trọng dịch, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2009.
[22] John Stuart Mill, Chính thể Đại diện, Nguyễn Văn Trọng & Bùi Văn Nam Sơn dịch, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2008.
[23] Alexis De Tocqueville, Nền Dân trị Mỹ, Phạn Toàn dịch, Nxb.Tri thức, Hà Nội, 2008.
[24]Hiến pháp Mỹ Được Làm ra Như thế nào, Nguyễn Cảnh Bình dịch và giới thiệu, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2003; Nxb. Tri thức tái bản, 2009.
[25]Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập IV, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 440.
[26]G.W.F. Hegel, Outlines of the Philosophy of Right, trans., T. M. Knox; ed., Stephen Houlgate (Oxford: Oxford University Press, 2008), 263.

    Bùi Ngọc Sơn – Đại học Quốc gia Hà Nội; NCS Đại học Hong Kong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét