Lời ngỏ

Kính thưa quý bạn đọc!

Sau khi Quốc hội phát đi lời kêu gọi góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, đã có nhiều ý kiến góp ý công

khai được đăng tải trên mạng chính thức cũng như không chính thức, thể hiện được sự quan tâm của người dân nói chung về việc sửa đổi Hiến pháp lần này; đồng thời, thể hiện rõ tính dân chủ, minh bạch và rất thiện chí trong chủ trương lấy ý kiến đóng góp của Quốc hội...

Trong các ý kiến nêu ra, mỗi ý kiến đều thể hiện góc nhìn, quan điểm, lập trường, trình độ hiểu biết khác nhau, như vậy cũng là dịp để Quốc hội "thấy" được sự đa dạng trong các giai tầng xã hội. Chắc chắn việc tiếp thu ý kiến đóng góp sẽ không thể gom hết, bổ sung hết... mà cần phải sàng lọc, đánh giá và rút tỉa ra được cái tinh tuý vừa mang tính tiến bộ vừa mang tính phổ quát. Để làm được việc này, Quốc hội hẳn sẽ phải làm việc hết sức nghiêm túc, có trách nhiệm và khoa học.

Các ý kiến đóng góp có thể được ghi nhận để bổ sung (toàn bộ, hoặc một phần), cũng có thể chỉ để tham khảo... là công dân có trách nhiệm và có tinh thần xây dựng sẽ không lấy làm bức xúc nếu ý kiến mình chưa được ghi nhận.

Blog này được lập ra nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của Quốc hội. Với mong muốn sẽ là diễn đàn truyền tải đến bạn đọc những ý kiến mang tính xây dựng tích cực; ngược lại, cũng là cơ hội để chỉ ra những sai lầm, thiếu thiện chí từ các ý kiến góp ý được loan truyền trong thời gian qua. Chúng tôi cũng đặc biệt xin phép đăng lại bài viết từ các diễn đàn để phổ biến đến bạn đọc trước khi hỏi ý kiến tác giả, tác giả nào không đồng ý xin vui lòng phản hồi, chúng tôi sẽ rút bài viết xuống.

Trên tinh thần ấy, chúng tôi rất mong được quý bạn đọc quan tâm, ủng hộ!

Liên hệ: tanhienphap2013@gmail.com

Xin trân trọng!

Thứ Năm, 23 tháng 5, 2013

Góp ý sửa đổi Hiến Pháp 1992 - Bàn về chuyện “Lấy ý kiến nhân dân”

Lý lẽ quan trọng nhất của cơ quan soạn thảo đều khẳng định “trên cơ sở ý kiến của nhân dân” với một con số thật ấn tượng: (chỉ trong thời gian 3 tháng kể từ 2.1.2013 đến 31.3.2013) đã có 26.090.828 lượt ý kiến, với hơn 28.000 hội nghị, hội thảo, tọa đàm được tổ chức. Và đằng sau những con số ấy chúng ta có thể hình dung một sự tốn kém to lớn về thời gian, tiền bạc và tâm sức của xã hội như thế nào!

Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khoá XIII đã khai mạc với một chương trình nghị sự ngổn ngang những vấn đề trọng đại.
Có vấn đề sát sườn đến lợi ích của đông đảo người dân như sửa đổi Luật Đất đai; có vấn đề khiến bộ máy quan chức phải để tâm và nhân dân kỳ vọng như việc lần đầu lấy phiếu tín nhiệm những chức danh do Quốc hội bầu; rồi những vấn đề nóng bỏng nhằm giải cứu nền kinh tế đang đứng trước những thách đố nghiêm trọng …
Nhưng có lẽ vấn đề được nhân dân quan tâm hơn hết lại chính là Hiến pháp. Cũng vì thế bản báo cáo của Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp được trình bày sớm nhất, ngay trong ngày đầu tiên để trình ra Quốc hội một dự thảo chính thức mà kỳ họp này thảo luận và tiếp tục thu thập ý kiến rộng rãi trong dân với mục tiêu tại kỳ họp tới, vào cuối năm nay, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua.

Bản dự thảo lần cuối trình kỳ họp này đã được công bố. Cảm nhận của các thành viên trong Quốc hội cũng như ngoài dư luận xã hội có thể khác nhau. Có người yên tâm, có người băn khoăn và cũng có thể có người thất vọng. Người yên tâm vì thấy dự thảo đúng như ý định ban đầu là chỉ sửa đôi chỗ nhằm giải quyết những vấn để nổi cộm mang tính chất tình huống sau hai thập kỷ kể từ khi Hiến pháp 1992 ra đời và đã qua một lần sửa đổi (2001).
Người băn khoăn vì theo dõi một thời gian dài thấy có nhiều điều mới mẻ được đề cập tới, những trao đổi hay tranh luận diễn ra khá sôi nổi trong nghị trường cũng như trên các phương tiện truyền thông cả lề phải và lề trái xem chừng vẫn khó ngã ngũ. Người thất vọng thì thấy sau ba lần dự thảo đã dần loé sáng nhiều điểm mới mẻ mang tính đột phá, nó phản ảnh được cái nguyên lý được khuyến khích là nói thẳng, phát biểu chân thành, không có vùng cấm… Nhưng rốt cuộc khi dự thảo trình ra lần này thì tất cả những điểm loé lên lại… tắt lụi và người ta lại cảm nhận rằng té ra vẫn có vùng “nhạy cảm” chưa thể vượt qua, hay không dám vượt qua…
Lý lẽ quan trọng nhất của cơ quan soạn thảo đều khẳng định “trên cơ sở ý kiến của nhân dân” với một con số thật ấn tượng: (chỉ trong thời gian 3 tháng kể từ 2.1.2013 đến 31.3.2013) đã có 26.090.828 lượt ý kiến, với hơn 28.000 hội nghị, hội thảo, tọa đàm được tổ chức. Và đằng sau những con số ấy chúng ta có thể hình dung một sự tốn kém to lớn về thời gian, tiền bạc và tâm sức của xã hội như thế nào!
Đó là chưa kể tới những sáng kiến in ấn hàng triệu bản dự thảo để phát đến tận tay những hộ dân ở một số thành phố lớn cũng như những đầu tư không thể định lượng được trên các phương tiện truyền thông của cư dân mạng. Tất cả đều phải coi là sự đầu tư của toàn xã hội đối với sự kiện hệ trọng này.
Thực ra, lần sửa đổi này vẫn nằm trong khuôn khổ của bản Hiến pháp thứ tư (1992) chứ chưa phải là lần soạn thảo Hiến pháp mới. Nhưng có thể nói rằng đây là cơ hội mà vấn đề Hiến pháp được người dân quan tâm hơn hết so với những lần trước. Đánh giá của Uỷ ban Dự thảo Hiến pháp khẳng định: “Hoạt động lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã thực sự là đợt sinh hoạt chính trị-pháp lý dân chủ sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân và cả hệ thống chính trị. Việc lấy ý kiến nhân dân không chỉ huy động được sự tham gia tích cực của nhân dân ở trong nước và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài để góp ý hoàn thiện”.
Thế nhưng, làm thế nào có thể khẳng định rằng những quyết định cuối cùng để trình văn bản dự thảo tại kỳ họp này thực sự phản ánh “ý kiến của nhân dân”? Cách đây không lâu, chừng vài ba tháng, một cuộc hội thảo nằm trong khuôn khổ các hoạt động thúc đẩy việc xây dựng dự thảo bàn trực tiếp vào phương thức “lấy ý kiến nhân dân” đã được tổ chức. Chính những người tổ chức cũng nhận thấy rằng đây là một nguyên lý gắn với bản chất xây dựng “một nhà nước của dân do dân vì dân” nhưng chưa có tiền lệ ở nước ta.
Trong lịch sử, người ta hay nhắc đến “Hội nghị Diên Hồng” thời Trần nhằm quyết định một vấn đề liên quan đến sự tồn vong của xã tắc. Sử chép: Tháng Chạp năm Giáp Thân, niên hiệu Thiệu Bảo thứ 6 (khoảng đầu năm 1285), Thượng hoàng Trần Thánh Tông cho gọi các phụ lão trong nước về kinh đô Thăng Long, đặt tiệc tại Điện Diên Hồng để hỏi kế đánh giặc. Trả lời cho câu hỏi của người đứng đầu quốc gia trước âm mưu xâm lược của giặc Nguyên-Mông “nên hoà hay nên đánh”, tất thảy các bô lão đều đồng thanh hô “đánh”. Tinh thần ấy được các bô lão truyền về cho dân chúng khắp nơi tạo nên sự đồng tâm để “vua tôi đồng lòng, cả nước đánh giặc”.
Đêm trước cuộc Khởi nghĩa tháng Tám 1945, tại Quốc dân Đại hội được triệu tập ở Tân Trào với một cử toạ đại diện mang tính tượng trưng cho các tầng lớp nhân dân và vùng miền của toàn quốc, Cương lĩnh của Mặt trận Việt Minh được cụ thể hoá bằng hành động Lễ xuất quân của đạo quân Cách mạng và Mệnh lệnh Tổng Khởi nghĩa được ban ra cùng với sự ra đời một tổ chức tiền thân của nhà nước lâm thời để khởi động cuộc nổi dậy của toàn dân trên toàn quốc giành độc lập từ tay phát xít, đế quốc và chế độ quân chủ thành lập một nhà nước theo chế độ dân chủ-cộng hoà.
Sự lựa chọn từ cương lĩnh của một tổ chức cách mạng là Mặt trận Việt Minh mà hạt nhân của nó là Đảng Cộng sản Đông Dương đã được công khai công bố bằng một văn kiện lịch sử là bản Tuyên ngôn Độc lập được người đứng đầu tổ chức cách mạng này, đồng thời cũng là người được bầu đứng đầu nhà nước lâm thời của nước Việt Nam độc lập tuyên đọc tại Quảng trường Ba Đình tại Hà Nội vừa được định vị là Thủ đô, ngày 2.9.1945.
Hồi ức của những người đương thời lại được một người nước ngoài là vị sĩ quan đứng đầu tổ chức Đồng Minh của Mỹ có mặt tại Hà Nội, lực lượng hậu thuẫn cho công cuộc chống phát xít Nhật của Việt Minh ghi nhận cũng trong hồi ức của mình là ngoài việc lấy ý kiến của những người đứng đầu tổ chức Đảng, một số thành viên chủ chốt trong Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đọc cho những người thuộc nhiều thành phần sống chung trong căn nhà 48 Hàng Ngang, nơi lưu trú trong thời gian soạn thảo văn kiện lịch sử này. Trong số những người này có cả những công dân là người lao động bình thường đang tham gia công việc phục vụ Chủ tịch. Và chính viên sĩ quan Đồng Minh này cũng được vị Chủ tịch Lâm thời của nước Việt Nam mời đọc dự thảo để tham góp ý kiến…
Do vậy, khi đặt vấn đề nhanh chóng có một thiết chế chính trị đảm bảo tính đại diện của người dân để thể hiện tính dân chủ của thể chế mới thì Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc đến những điều kiện để người dân thể hiện được chính kiến của mình mà vào thời gian lịch sử ấy thì vấn đề gần như mang tính tiên quyết là làm cho người dân biết chữ để tự thể hiện, dù mới là hình thức, quyền quyết định khi tham gia cuộc Tổng Tuyển cử bầu ra Quốc hội đầu tiên vào đầu năm 1946. Phong trào “Xoá nạn mù chữ” và “Bình dân học vụ” khởi đầu từ đó.
Nhưng điều quan trọng hơn hết là một bản Hiến pháp đầu tiên đã được soạn thảo, ngoài những nội dung về thể chế chính trị, bộ máy tổ chức, sự vận hành của bộ máy dân cử cao nhất  thì một vấn đề rất quan trọng đã được ghi rõ trong bản Hiến pháp đầu tiên này, bên cạnh những quyền cơ bản của người dân là phương thức trưng cầu dân ý đựoc ghi nhận như một giá trị và tập quán đã trở nên phổ quát của nền chính trị dân chủ hiện đại.
Điều đáng tiếc nhất là, việc trưng cầu dân ý chưa bao giờ được thực thi trong ngót bảy chục năm qua cho dù bản Hiến pháp nào kế thừa cũng đều nhắc tới. Ngay trong Hiến pháp 1992 đã quy định việc trưng cầu ý dân do Quốc hội quyết định và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức thực hiện. Nhưng tất cả đều không thực hiện được vì cũng giống như một số quyền cơ bản khác có ghi trong mọi văn bản Hiến pháp ở nước ta vẫn bị… “treo” bởi lẽ những quyền hiến định này lại chưa được luật định.
Với một số quyền “treo” khác như Luật Hội họp và Biểu tình, Luật lập Hội cũng đã được hiến định nhưng lại chỉ được thực thi bằng những văn bản dưới luật… Đó là những vấn đề cấp bách cần giải quyết và lẽ ra phải được giải quyết trước khi sửa đổi Hiến pháp. Vì đây cũng chính là những công cụ của công dân để thực thi quyền “phúc quyết” của mình đối với những vấn đề trọng đại của quốc gia.
Cách đây đã 8 năm (2005) tôi có được tham gia Đoàn của Chủ tịch Quốc hội đương nhiệm thăm một số nước Châu Âu, trong đó có những nước giàu “truyền thống dân chủ tư sản” như Anh, Bỉ, Thuỵ Sĩ, Italia và Quốc hội Châu Âu… Một trong những nội dung mà người đứng đầu Quốc hội Việt Nam khi ấy rất quan tâm chính là vấn đề “Trưng cầu dân ý”.
Quan điểm của các bạn cho rằng: “Trưng cầu dân ý” là một phương thức đến nay được thực hiện ở Châu Âu đã lâu, dân chúng đã quen, lại trên một mặt bằng về “ý thức dân chủ” đã cao, kỹ năng đã thuần thục và đã ăn sâu vào đời sống như một tập quán. Nhưng họ vẫn cho rằng nó giúp cho Nhà nước (người tổ chức trưng cầu) dễ đưa ra quyết định ít gây tranh cãi, nhưng hiệu ứng cũng rất tương đối một phần vì không bao giờ tỉ lệ tham gia đạt đa số tuyệt đối, vả lại những điều đồng thuận qua trưng cầu dân ý thường dễ “bảo thủ” vì nó thuộc về quan điểm của số đông…
Tuy nhiên nó bảo đảm bền vững và tính an toàn cho các quyết định cũng như những người chủ trương các quyết định đó… Và từ đó cho đến nay, theo dõi hoạt động của Quốc hội ta, chỉ được  biết đã có sự phân công soạn thảo đạo luật liên quan đến vấn đề này nhưng chưa biết đến bao giờ nó sẽ đi vào đời sống chính trị nước ta…
Còn việc “lấy ý kiến nhân dân” như một nguyên tắc thể hiện sự tôn trọng của quyền con người, quyền công dân thì chỉ có thể thông qua các phương tiện thông tin đại chúng hay các văn bản được gửi tới các cơ quan có trách nhiệm như các kiến nghị, các bản góp ý hay phản biện mà thôi… Nó sẽ giúp cho các cơ quan soạn thảo có thể nắm bắt được các ý kiến khác nhau để tiếp thu, sửa chữa, điều chỉnh v.v…
Nhưng chắc chắn, việc không định lượng được (theo nguyên tắc đa số phục tùng thiểu số) và không bị ràng buộc bởi những quy định pháp lý (ví như việc bỏ phiếu trong bầu cử, “ấn nút” của các cuộc biểu quyết hay “trưng cầu dân ý”), nên mọi ý kiến đóng góp chỉ mang tính tham khảo mà quyết định cuối cùng vẫn thuộc về ý chí chính trị của các nhà lãnh đạo, thậm chí chỉ từ một số nhà lãnh đạo cao cấp nhất, mà những cương vị này thường hạn chế năng lực tiếp thu những ý kiến khác mình hoặc những lý thuyết hay cương lĩnh đã được ấn định như tính nguyên tắc của một tổ chức chính trị.
Thực tiễn cho thấy, những thay đổi lịch sử ở nước ta thường gắn với những bước đột biến do năng lực “chớp lấy thời cơ” như Cách mạng tháng Tám 1945 hay kết thúc thắng lợi cuộc sự nghiệp giải phóng và thống nhất đất nước (1975) hoặc nỗ lực mang tính chất “phá rào” trong thời kỳ Đổi mới…
Cuộc thảo luận về việc Sửa đổi Hiến pháp 1992 hẳn sẽ tiếp tục sôi nổi trên diễn đàn Quốc hội trong những ngày sắp tới với nhiều nội dung từng gây quan tâm của toàn xã hội nay phải gác lại theo đề nghị của Uỷ ban Dự  thảo “xin được giữ nguyên như dự thảo ban đầu”. Chợt làm một so sánh nghề nghiệp; chính ba tháng thu hút hơn 26 triệu người dân tham gia bản thảo (từ tháng Một đến tháng Ba 2013) đã tạo nên những nội dung sửa đổi dự thảo (lần thứ ba) được nhiều người kỳ vọng mà  mà cuối cùng Uỷ ban Dự thảo đã không đưa vào dự thảo cuối cùng… Dẫu sao tất cả vẫn còn là Dự thảo… nhưng cơ hội thì càng trở nên xa…
Dương Trung Quốc


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét