Lời ngỏ

Kính thưa quý bạn đọc!

Sau khi Quốc hội phát đi lời kêu gọi góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, đã có nhiều ý kiến góp ý công

khai được đăng tải trên mạng chính thức cũng như không chính thức, thể hiện được sự quan tâm của người dân nói chung về việc sửa đổi Hiến pháp lần này; đồng thời, thể hiện rõ tính dân chủ, minh bạch và rất thiện chí trong chủ trương lấy ý kiến đóng góp của Quốc hội...

Trong các ý kiến nêu ra, mỗi ý kiến đều thể hiện góc nhìn, quan điểm, lập trường, trình độ hiểu biết khác nhau, như vậy cũng là dịp để Quốc hội "thấy" được sự đa dạng trong các giai tầng xã hội. Chắc chắn việc tiếp thu ý kiến đóng góp sẽ không thể gom hết, bổ sung hết... mà cần phải sàng lọc, đánh giá và rút tỉa ra được cái tinh tuý vừa mang tính tiến bộ vừa mang tính phổ quát. Để làm được việc này, Quốc hội hẳn sẽ phải làm việc hết sức nghiêm túc, có trách nhiệm và khoa học.

Các ý kiến đóng góp có thể được ghi nhận để bổ sung (toàn bộ, hoặc một phần), cũng có thể chỉ để tham khảo... là công dân có trách nhiệm và có tinh thần xây dựng sẽ không lấy làm bức xúc nếu ý kiến mình chưa được ghi nhận.

Blog này được lập ra nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của Quốc hội. Với mong muốn sẽ là diễn đàn truyền tải đến bạn đọc những ý kiến mang tính xây dựng tích cực; ngược lại, cũng là cơ hội để chỉ ra những sai lầm, thiếu thiện chí từ các ý kiến góp ý được loan truyền trong thời gian qua. Chúng tôi cũng đặc biệt xin phép đăng lại bài viết từ các diễn đàn để phổ biến đến bạn đọc trước khi hỏi ý kiến tác giả, tác giả nào không đồng ý xin vui lòng phản hồi, chúng tôi sẽ rút bài viết xuống.

Trên tinh thần ấy, chúng tôi rất mong được quý bạn đọc quan tâm, ủng hộ!

Liên hệ: tanhienphap2013@gmail.com

Xin trân trọng!

Thứ Ba, 14 tháng 5, 2013

Sửa đổi Hiến Pháp 1992 - “Một số điểm quan trọng vẫn còn bỏ ngỏ”


Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được bổ sung, chỉnh sửa sau khi lấy ý kiến nhân dân, và có thể được Quốc hội xem xét thông qua vào cuối kỳ họp thứ 5 (từ 20.5 đến 25.6.-2013).

Tuy nhiên đến thời điểm này một số điểm quan trọng trong Dự thảo Luật Đất đai vẫn còn tranh cãi, bỏ ngỏ.

Phóng viên NTNN đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường để tìm hiểu thêm về vấn đề này.

Thưa Giáo sư, vừa qua Viện Nghiên cứu lập pháp (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) và Tổ chức Oxfam đã hỗ trợ các tổ chức xã hội thực hiện tham vấn cộng đồng về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Với vai trò là chuyên gia trong lĩnh vực, Giáo sư có đánh giá gì về cách làm này ?
Giáo sư Đặng Hùng Võ
- Đối với việc lấy ý kiến của dân, giúp người dân nói được tiếng nói của mình góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thì cách tốt nhất là phải có các tổ chức xã hội hỗ trợ người dân. Tham vấn cộng đồng mà các tổ chức nói trên thực hiện giúp dân là cách làm hay và hữu ích.
Các tổ chức này đều dưới dạng phi lợi nhuận, giúp đỡ người dân hiểu biết vì lẽ chung của sự công bằng, từ đó phản ảnh được nguyện vọng của người dân, đó là những điều rất tốt đẹp và là cách lựa chọn đúng đắn.
Cách làm đòi hỏi các tổ chức xã hội phải làm việc công tâm, khách quan, không hướng người dân đi theo cái do chủ quan mình vạch sẵn, mà phải đặt ra lắng nghe người dân thực sự, định hình cho người dân hiểu cái đó nằm ở đâu trong hệ thống pháp luật và hiểu được người dân cần gì ở hệ thống pháp luật. Cách làm này là con đường ngắn nhất, tiết kiệm nhất và chân thực nhất để trợ giúp người dân nói lên ý kiến của mình về sửa đổi Luật Đất đai.
Giáo sư có đánh giá gì về kết quả của đợt tham vấn này?
- Tôi thấy kết quả tham vấn này rất tốt, đã phản ánh đúng những ý kiến của người dân và cũng đúng được những chỗ dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần tập trung để xem xét chỉnh sửa. Nhưng đợt tham vấn này cũng có một nhược điểm là việc lấy ý kiến còn khá hạn hẹp, mới chỉ được 5 trong số 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Tất nhiên, kết quả chưa phản ảnh hết được hết được mong muốn của người dân về pháp luật đất đai và tình hình thực thi pháp luật đất đai trong cuộc sống thực. Những địa bàn lấy ý kiến cũng chưa thể hiện được hết những nét khuất của chuyện thu hồi đất, chưa chạm đến những điểm nóng nhất của người dân về việc bị thu hồi đất.
Mặc dù vậy, tôi cho rằng kết quả tham vấn đã phản ánh khá trung thực những tư duy của người dân về đất đai, những nguyện vọng mà người dân đang muốn nói, nhưng chưa thể hiện hết được tính điển hình của những câu chuyện về đất đai.
Giáo sư đánh giá như thế nào đối với các khuyến nghị mà Viện Nghiên cứu lập pháp và Oxfam đã đưa ra sau khi tổng hợp các ý kiến góp ý của người dân?
- Các khuyến nghị đóng góp tập trung vào 4 vấn đề chính: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; chế độ sử dụng đất; định giá đất; thu hồi đất bồi thường giải phóng mặt bằng.
Báo cáo đã mô tả được khá đầy đủ và đưa ra những kiến nghị về giải pháp khá phù hợp từ kinh nghiệm quốc tế và đã tác động được đến tư duy của những người soạn thảo luật.
Một số kiến nghị chính như về cơ chế tham vấn cộng đồng, sự đồng thuận của cộng đồng trong quy hoạch, trong phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, trong cấp giấy chứng nhận lần đầu, cơ chế định giá đất khách quan, v.v. đã được tiếp thu khá triệt để
Về câu chuyện định giá đất, Oxfam cũng đã đưa ra những khuyến nghị phù hợp như: Cơ quan quyết định giá phải độc lập với cơ quan quyết định đất đai để đảm bảo kiểm soát tốt quyền lực của cấp tỉnh về đất đai, quyền lực đừng quá tập trung vào một nơi mà gây ra nguy cơ tham nhũng, cơ chế quyết định giá đất khách quan và độc lập, sự tham gia của người dân vào quá trình quyết định về giá đất.
Báo cáo đưa ra cách tiếp cận quản lý đất đai trên nguyên tắc của hệ thống quản trị tốt, tức là đảm bảo tính công khai minh bạch, đảm bảo trách nhiệm giải trình, đảm bảo sự tham gia của người dân và sự đồng thuận của cộng đồng, cuối cùng là đảm bảo tính được giám sát. Tôi cho rằng việc sửa đổi luật dựa trên xây dựng hệ thống quản trị tốt là tinh thần quan trọng mà Oxfam đã đề xuất.
Những khuyến nghị đó đã được Ban soạn thảo dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tiếp thu như thế nào?
- Tôi cho rằng ý tưởng tiếp thu của Ban soạn thảo luật là tốt, rất thành tâm. Tất nhiên, để đổi mới một điều luật còn phụ thuộc nhiều thứ khác nữa. Nếu lượng hóa vấn đề thì có thể cho rằng Ban soạn thảo luật đã tiếp thu được 80% tinh thần những khuyến nghị, góp ý của Viện Nghiên cứu Lập pháp và Oxfam.
Việc thể hiện tiếp thu trong Dự thảo Luật đất đai sửa đổi thì mới được 20%, còn 60% sẽ được thể hiện trong các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật của Chính phủ. Tôi cho rằng Ban soạn thảo rất thành tâm xem xét tiếp thu ý kiến của báo cáo nói trên. Bàn rộng hơn về vấn đề này, việc thể hiện gì trong Luật và việc gì để lại Nghị định cũng cần xác định cho rõ.
Chúng ta lưu ý rằng Chủ tịch Quốc hội cũng như nhiều Đại biểu Quốc hội cũng đều nói rằng còn tới một nửa số điều luật giao cho Chính phủ quy định, như thế là quá nhiều. Tất nhiên, Luật không thể đưa ra mọi quy định chi tiết nhưng cần chứa được một khung pháp luật vững chắc để sao cho mọi hướng dẫn ở tầng dưới không thể đi chệch khung. Vậy cái khung pháp luật đó gồm những điểm gì, đây là điểm cần phải làm rõ, cụ thể hơn nữa.
Theo Giáo sư, những điểm còn tranh cãi, bỏ ngỏ, cần phải làm rõ, cụ thể hơn nữa trong Dự thảo Luật Đất đai là những gì?
- Hiện nay còn hai điểm quan trọng nhất trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi chưa tiến được những bước đáng kể.
Điểm thứ nhất là cơ chế Nhà nước thu hồi đất trong mối quan hệ với cơ chế tự thỏa thuận. Tôi cho rằng dự thảo luật có bước tiến bộ khá nhiều ở chỗ đã nâng cấp được cách làm của cơ chế tự thỏa thuận, đã chuyển từ nhà đầu tư thỏa thuận với từng người sử dụng đất sang nhà đầu tư thỏa thuận với cộng đồng những người sử dụng đất và quyết định dựa trên đa số ý kiến của cộng đồng.
Đây là điểm tiến bộ rất lớn, sẽ làm cho cơ chế tự thỏa thuận khắc phục được nhược điểm hiện nay khi một số ít người đòi hỏi vô lý về gía đất, sẽ làm cho cơ chế này có sức sống mạnh hơn. Vấn đề còn lại là khi đã thỏa thuận được 70% thì phần thiểu số còn lại xử lý bằng tòa án hay bằng cơ chế Nhà nước thu hồi đất? Ban soạn thảo luật chủ trương sử dụng tòa án, nhưng theo tôi ở Việt Nam sử dụng cơ chế Nhà nước thu hồi đất sẽ tiết kiệm hơn và hiệu quả hơn.
Về cơ chế Nhà nước thu hồi đất, Ban soạn thảo cũng đã đưa ra quan điểm cần quy các dự án phát triển kinh tế – xã hội về tiêu chí vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Đây là một đề xuất đúng, cần phải đưa về cùng một hệ quy chiếu quốc tế sẽ dễ xem xét hơn. Việc hạn chế áp dụng cơ chế Nhà nước thu hồi đất và mở rộng cơ chế đồng thuận là cách tiếp cận hợp lý.
Cơ chế Nhà nước thu hồi đất dựa trên nguyên tắc lấy đất bắt buộc bằng quyết định hành chính luôn gắn với nguy cơ tham nhũng của cán bộ và khiếu kiện của dân. Trong khi đó, cơ chế đồng thuận giữa nhà đầu tư và cộng đồng những người sử dụng đất không gắn với nguy cơ tham nhũng và khiếu kiện.
Điểm thứ hai là cơ chế quyết định giá đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Điều quan trọng nhất và phải tách cho được thẩm quyền quyết định về đất đai và thẩm quyền quyết định về giá đất. Một cơ quan nhà nước có cả 2 thẩm quyền sẽ dễ dẫn đến lạm quyền gắn với tư lợi. Ở hầu hết các nước khác, kể cả Trung Hoa, thẩm quyền này đều được tách riêng.
Việc quyết định giá đất có thể giao cho hệ thống cơ quan định giá ở Trung ương hoặc do một Hội đồng quyết định giá, không thể trao thẩm quyền này cho UBND địa phương. Về điểm này, Ban soạn thảo thấy hợp lý, tuy nhiên lại ngại sẽ tăng tổ chức quá nhiều. Tiếp theo thẩm quyền là cơ chế nào để đề xuất, thẩm định giá đất trước khi thực hiện thẩm quyền quyết định.
Vấn đề này chưa được quy định trong Luật, nhiều ý kiến cho rằng nên để ở tầng Nghị định. Về phạm vi áp dụng bảng giá đất, các ý kiến đã thiên về phương án 2, Ban soạn thảo cũng đã chỉnh sửa theo phương án này, tức là không áp dụng bảng giá đất của Nhà nước để tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, tính tiền thuê đất khu Nhà nước cho thuê đất, tính giá trị bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất và tính giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghệp nhà nước.
Theo chương trình Kỳ họp thứ 5 khai mạc vào ngày 20.5 tới đây, Quốc hội đã “lên lịch” cho việc biểu quyết thông qua luật này. Tuy vậy đến nay vẫn còn không ít ý kiến đề nghị lùi thời điểm thông qua vào kỳ họp cuối năm 2013. Ý kiến của Giáo sư như thế nào?
- Quan điểm của tôi, nên lùi thời điểm thông qua Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi vào Kỳ họp thứ 6 (cuối năm 2013) của Quốc hội. Thứ nhất, nên chờ Quốc hội thông qua Hiến pháp rồi mới chỉnh sửa Luật Đất đai cho phù hợp, như vậy sẽ hợp lý hơn.
Hiến pháp có vài Điều liên quan tới đất đai nhưng đều là những Điều rất căn bản. Thứ hai, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cũng cần phải có thêm thời gian để nghiên cứu làm rõ hơn một số điểm còn có nhiều ý kiến trái chiều, rồi những quy định nào cần đưa vào luật để làm khung, còn những điểm nào sẽ đưa vào các nghị định để cụ thể hóa, việc cụ thể hóa không thể ra ngoài khung…
Xin cảm ơn Giáo sư!
Đình Thắng 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét