Lời ngỏ

Kính thưa quý bạn đọc!

Sau khi Quốc hội phát đi lời kêu gọi góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, đã có nhiều ý kiến góp ý công

khai được đăng tải trên mạng chính thức cũng như không chính thức, thể hiện được sự quan tâm của người dân nói chung về việc sửa đổi Hiến pháp lần này; đồng thời, thể hiện rõ tính dân chủ, minh bạch và rất thiện chí trong chủ trương lấy ý kiến đóng góp của Quốc hội...

Trong các ý kiến nêu ra, mỗi ý kiến đều thể hiện góc nhìn, quan điểm, lập trường, trình độ hiểu biết khác nhau, như vậy cũng là dịp để Quốc hội "thấy" được sự đa dạng trong các giai tầng xã hội. Chắc chắn việc tiếp thu ý kiến đóng góp sẽ không thể gom hết, bổ sung hết... mà cần phải sàng lọc, đánh giá và rút tỉa ra được cái tinh tuý vừa mang tính tiến bộ vừa mang tính phổ quát. Để làm được việc này, Quốc hội hẳn sẽ phải làm việc hết sức nghiêm túc, có trách nhiệm và khoa học.

Các ý kiến đóng góp có thể được ghi nhận để bổ sung (toàn bộ, hoặc một phần), cũng có thể chỉ để tham khảo... là công dân có trách nhiệm và có tinh thần xây dựng sẽ không lấy làm bức xúc nếu ý kiến mình chưa được ghi nhận.

Blog này được lập ra nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của Quốc hội. Với mong muốn sẽ là diễn đàn truyền tải đến bạn đọc những ý kiến mang tính xây dựng tích cực; ngược lại, cũng là cơ hội để chỉ ra những sai lầm, thiếu thiện chí từ các ý kiến góp ý được loan truyền trong thời gian qua. Chúng tôi cũng đặc biệt xin phép đăng lại bài viết từ các diễn đàn để phổ biến đến bạn đọc trước khi hỏi ý kiến tác giả, tác giả nào không đồng ý xin vui lòng phản hồi, chúng tôi sẽ rút bài viết xuống.

Trên tinh thần ấy, chúng tôi rất mong được quý bạn đọc quan tâm, ủng hộ!

Liên hệ: tanhienphap2013@gmail.com

Xin trân trọng!

Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

Bộ trưởng chịu trách nhiệm trước Thủ tướng

 Bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi mới nhất vừa trình QH sáng nay đã bổ sung một số điều khoản làm rõ hơn trách nhiệm cá nhân của thành viên Chính phủ trước Thủ tướng. 

Tại phiên họp QH sáng nay, Trưởng ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp Phan Trung Lý đã trình bày báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến đại biểu và nhân dân về dự thảo.
So với bản dự thảo trình ở kỳ họp trước, dự thảo lần này gồm 11 chương, 120 điều, giảm 4 điều. Những vấn đề quan trọng như chế độ chính trị, tên nước, vai trò lãnh đạo duy nhất của Đảng, chế độ sở hữu đất đai toàn dân, quy định lực lượng vũ trang trung thành với Đảng... được giữ nguyên.
Đáng chú ý là quy định lập Hội đồng Hiến pháp được ban soạn thảo đề nghị không bổ sung vào dự thảo lần này. 

thủ tướng, bộ trưởng, hiến pháp
Trưởng ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp Phan Trung Lý. Ảnh: Minh Thăng
"Trên cơ sở nghiên cứu ý kiến của nhân dân, đại biểu QH và các cơ quan, tổ chức, UB dự thảo sửa đổi Hiến pháp nhận thấy, việc thành lập Hội đồng Hiến pháp là vấn đề mới, lại đang còn có nhiều ý kiến khác nhau, nên trong điều kiện hiện nay ở nước ta, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành, trong đó, tăng cường trách nhiệm của QH, các cơ quan của QH, nhất là UB Pháp luật và các cơ quan khác của Nhà nước trong việc bảo vệ Hiến pháp. Vì vậy, UB đề nghị QH không bổ sung quy định Hội đồng Hiến pháp vào dự thảo" - ông Phan Trung Lý giải thích.
Bên cạnh đó, ban soạn thảo cũng cho hay, để bảo đảm tính ổn định lâu dài của Hiến pháp, không cần thiết quy định những nội dung cụ thể và đối tượng của việc trưng cầu ý dân trong Hiến pháp theo một số góp ý, mà để luật quy định.
Kinh tế nhà nước là chủ đạo
Một trong những nội dung từng gây nhiều tranh cãi liên quan việc thu hồi đất cũng đã được chỉnh lý. Khoản 3 điều 54 được sửa: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; vì lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế - xã hội. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật”.

Từng không được đưa vào dự thảo trước để lấy ý kiến nhân dân, dự thảo lần này đưa trở lại việc hiến định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước.
Liên quan ý kiến đề nghị quy định vai trò của kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể cho phù hợp với Cương lĩnh, đường lối của Đảng, ban soạn thảo cho hay quan điểm, nếu quy định thành phần kinh tế tập thể thì cần liệt kê cả các thành phần kinh tế khác và phải xác định cụ thể vị trí, vai trò của từng thành phần kinh tế như đã thể hiện trong Cương lĩnh.
Theo đó, kinh tế nhà nước là chủ đạo; kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển; kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân; kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển.
Vai trò Thủ tướng
Dự thảo sửa đổi lần này cũng đã điều chỉnh lại nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng và mối quan hệ giữa Chính phủ và các thành viên. Ban soạn thảo đã sắp xếp lại các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng như trong dự thảo (điều 96, 98).
Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số điều khoản khác trong chương này để làm rõ hơn trách nhiệm cá nhân của thành viên Chính phủ trước Thủ tướng. Cụ thể đã bổ sung vào dự thảo quy định Phó Thủ tướng chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về nhiệm vụ được phân công; bộ trưởng chịu trách nhiệm cá nhân trước Thủ tướng (điều 95); bộ trưởng chịu trách nhiệm báo cáo công tác trước Thủ tướng (điều 99)…

Một trong những nội dung từng được cho là "yếu" nhất trong dự thảo trước đây đó là chính quyền địa phương đã được tiếp thu, bổ sung, chỉnh lý, đó là chế định chính quyền địa phương. Dự thảo đã xác định những nguyên tắc cơ bản về phân cấp, phân quyền giữa chính quyền trung ương và địa phương sao cho vừa bảo đảm quyền quản lý thống nhất của Trung ương, vừa bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của địa phương.
Theo đó, Hiến pháp quy định nguyên tắc để làm cơ sở cho luật định những công việc thuộc thẩm quyền của trung ương, do trung ương đảm nhiệm (như quốc phòng, an ninh, ngoại giao…), những công việc thuộc thẩm quyền của địa phương và những việc thuộc thẩm quyền của cả trung ương và địa phương nhưng có cơ chế kiểm soát rõ ràng, bảo đảm một việc chỉ do một cơ quan hoặc cấp chính quyền chịu trách nhiệm chính.
Trước khi biểu quyết thông qua vào ngày 28/11, QH tiếp tục thảo luận về việc chỉnh lý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Mời bạn đọc tham khảo bản dự thảo mới nhất này TẠI ĐÂY
Linh Thư

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét