Lời ngỏ

Kính thưa quý bạn đọc!

Sau khi Quốc hội phát đi lời kêu gọi góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, đã có nhiều ý kiến góp ý công

khai được đăng tải trên mạng chính thức cũng như không chính thức, thể hiện được sự quan tâm của người dân nói chung về việc sửa đổi Hiến pháp lần này; đồng thời, thể hiện rõ tính dân chủ, minh bạch và rất thiện chí trong chủ trương lấy ý kiến đóng góp của Quốc hội...

Trong các ý kiến nêu ra, mỗi ý kiến đều thể hiện góc nhìn, quan điểm, lập trường, trình độ hiểu biết khác nhau, như vậy cũng là dịp để Quốc hội "thấy" được sự đa dạng trong các giai tầng xã hội. Chắc chắn việc tiếp thu ý kiến đóng góp sẽ không thể gom hết, bổ sung hết... mà cần phải sàng lọc, đánh giá và rút tỉa ra được cái tinh tuý vừa mang tính tiến bộ vừa mang tính phổ quát. Để làm được việc này, Quốc hội hẳn sẽ phải làm việc hết sức nghiêm túc, có trách nhiệm và khoa học.

Các ý kiến đóng góp có thể được ghi nhận để bổ sung (toàn bộ, hoặc một phần), cũng có thể chỉ để tham khảo... là công dân có trách nhiệm và có tinh thần xây dựng sẽ không lấy làm bức xúc nếu ý kiến mình chưa được ghi nhận.

Blog này được lập ra nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của Quốc hội. Với mong muốn sẽ là diễn đàn truyền tải đến bạn đọc những ý kiến mang tính xây dựng tích cực; ngược lại, cũng là cơ hội để chỉ ra những sai lầm, thiếu thiện chí từ các ý kiến góp ý được loan truyền trong thời gian qua. Chúng tôi cũng đặc biệt xin phép đăng lại bài viết từ các diễn đàn để phổ biến đến bạn đọc trước khi hỏi ý kiến tác giả, tác giả nào không đồng ý xin vui lòng phản hồi, chúng tôi sẽ rút bài viết xuống.

Trên tinh thần ấy, chúng tôi rất mong được quý bạn đọc quan tâm, ủng hộ!

Liên hệ: tanhienphap2013@gmail.com

Xin trân trọng!

Thứ Hai, 4 tháng 2, 2013

Góp ý của bà Đặng Thị Hoàng yến

Kính gửi:
Ông Nguyễn Sinh Hùng – Uỷ viên Bộ Chính Trị, Chủ tịch Quốc Hội,
Chủ tịch Ủy ban Sửa đổi Hiến pháp 1992
Các Ông, Bà Ủy viên Ủy ban Sửa đổi Hiến pháp 1992
Tôi tên là: Đặng Thị Hoàng Yến – Chủ tịch Tập đoàn Tân Tạo, Chủ tịch Trường Đại học Tân Tạo (ttu.edu.vn) và là cựu đại biểu Quốc Hội KHóa 13 bị bãi miễn tại kỳ họp thứ 3. Mặc dù đang trong thời gian chữa bệnh, song tôi với mong muốn được đóng góp vào viẹc Sửa đổi Hiến Pháp – Một Thời khắc lịch sử của mỗi người dân Việt Nam, vì vậy tôi vẫn cố gắng viết và gởi đến Các Quý Ông Bà những điều tâm huyết của tôi:
I.QUYỀN CON NGƯỜI
Hiến pháp hiện nay quy định “Mọi người có quyền sống” (Điều 21, Chương II, Dự thảo Hiến pháp sửa đổi 2013). Nhưng sống như thế nào, quyền được sống được cụ thể bao gồm những quyền gì, thì Hiến Pháp chưa nêu rõ ràng và đầy đủ. Bất cứ một ddất nước tiến bộ nào, nhất là một chế độ tốt đẹp cần phải có quy định rõ ràng và bảo vệ các quyền cơ bản mà không ai có quyền tước bỏ đó là: Quyền tự do ngôn luận, Quyền tự do mưu cầu hạnh phúc,  Quyền tự do tôn giáo, Quyền tự do hội họp và đặc biệt là Quyền tự do kiện Chính phủ sẽ cho phép nhân dân thực sự làm chủ, giám sát mọi hoạt động của Chính Phủ từ địa phương đến Trung Ương. Nếu người dân có Quyền tự do kiện Chính phủ sẽ là động lực khiến Chính phủ phải thực sự do dân, vì dân, hạn chế tham nhũng và ban hành các văn bản không hợp hiến. Hiện nay, do Hiến pháp chưa quy định về Quyền này nên có nhiều trường hợp người dân kiện Chính phủ nhưng Tòa án không nhận đơn.
Do vậy, để thể hiện được tính ưu việt của chế độ, thực hiện đúng mục đích về một chế độ do dân và thật sự vì dân, tôi đề nghị bổ sung và quy định rõ trong Chương II – Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân những quyền con người cơ bản sau:
- Quyền tự do ngôn luận
- Quyền tự do mưu cầu hạnh phúc
- Quyền tự do tôn giáo
- Quyền tự do hội họp
- Quyền tự do kiện Chính phủ
II. DÂN CHỦ
Đề nghị bổ sung và quy định rõ, công dân có quyền tự do thành lập và gia nhập Đảng phái và những Đảng phái này được quyền thành lập, tham gia vào Quốc hội và Chính phủ để điều hành đất nước nếu được sự tín nhiệm của nhân dân thông qua bầu cử.
Hiện nay, Trung Quốc đang có những bước tiến nhanh và vững mạnh trên nhiều mọi lĩnh vực, và không thể phủ nhận vai trò quan trọng và công lao của Đảng Cộng Sản Trung Quốc trong sự phát triển đó. Dù Trung Quốc  là một nước mà Đảng Cộng Sản cầm quyền như Việt Nam, nhưng thực tế, Trung Quốc hiện nay có 09 Đảng, trong đó có Đảng Cộng Sản Trung Quốc, mà Đảng Cộng Sản Trung Quốc vẫn không hề mất vai trò lãnh đạo của họ. Do vậy, dựa trên bài học của Trung Quốc, chúng ta nhận thấy rằng, nếu Đảng Cộng Sản có năng lực, được sự tin tưởng của nhân dân, thì dù cho tự do thành lập Đảng, Đảng Cộng Sản vẫn không mất vai trò lãnh đạo đất nước.
Đồng thời ngay chúng ta cũng có thể học tập kinh nghiệm ngay từ các nước Tư bản tiên tiến để đưa ra những quy định Cần và Đủ để được phép nộp đơn xin thành lập Đảng, nhưng phải thỏa mãn các điều kiện sau:
- Người nộp đơn thành lập Đảng phải là người có quốc tịch Việt Nam và sinh sống tại Việt Nam;
- Đảng hoạt động bằng tiền Đảng phí, các khoản tài trợ của cá nhân hoặc các tổ chức của Việt Nam, và hoạt động tại Việt Nam;
- Đảng phải cam kết hoạt động đúng Hiến pháp và Luật pháp Việt Nam
- Đảng phải cam kết không được nhận tài trợ của cá nhân và các tổ chức của nước ngoài.
- Việc thành lập Đảng không thỏa mãn các đìều kiện trên đều là Vi Hiến và sẽ bị xét xử với tội danh chống phá nhà nước.
Nếu Hiến pháp được bổ sung những điều trên, chắc chắn đất nước sẽ bước trên con đường dân chủ thực sự, cho phép Nhân dân được quyền tự do lựa chọn Đảng phái. Đảng Cộng Sản cũng sẽ có động lực thúc đẩy để tự đổi mới, đại diện cho nhân dân và được nhân dân ủng hộ, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo Đảng Cộng Sản nhiều năm, quy tụ được mọi ngọn cờ Đảng phái dưới ngọn cờ của mình.
Như vậy, Đảng Cộng Sản nếu vẫn thật sự “do dân và vì dân” thì sẽ vẫn được nhân dân tín nhiệm, vẫn nắm được vai trò lãnh đạo khi được nhân dân tín nhiệm và sẽ thực sự biến các Đảng phái ở nước ngoài trở thành vi hiến và các nước không thể lợi dụng để can thiệp vào nội bộ Việt Nam. Hiện nay, việc chỉ có 1 Đảng đã khiến cả thế giới lên án; và theo xu thế tiến bộ của Thời đại, nếu tiếp tục không sửa đổi thì việc này sẽ trở thành quá muộn, các Đảng viên Đảng Cộng Sản sẽ không có sự cạnh tranh, không nhận thấy áp lực cần phải đổi mới, tạo ra sự độc quyền không lành mạnh.
III. QUYỀN SỞ HỮU ĐẤT ĐAI
Điều 54 Dự thảo Hiến pháp Sửa đổi 2013 quy định: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế.” thì tất yếu phải có đa sở hữu trong lĩnh vực đất đai, phù hợp với các thành phần kinh tế. Chính vì vậy, đề nghị sửa đổi Điều 57 và 58, Chương III, Dự thảo Hiến pháp Sửa đổi 2013.
Thực tế, hàng năm có tới 70 – 80% khiếu kiện kéo dài liên quan đến lĩnh vực đất đai chỉ vì Chế độ sở hữu đất đai không tương thích với nhiều thành phần kinh tế đã dược Luật pháp công nhận đang vận hành và phát triển khá tốt.
Hãy cho người dân được quyền lựa chọn: nếu họ muốn được giao đất sở hữu thì họ phải trả tiền, nếu muốn thuê thì quy định tiền thuê. Như vậy,sẽ giúp cho Nhà nước có khoản thu lớn cho Ngân sách, và hơn hết giúp cho chấm dứt được khiếu kiện kéo dài và tham nhũng hoành hành trong lĩnh vực đất đai.
Ví dụ về chính sách Hóa giá nhà: Từ những năm 1985 – 1990, khi tôi đang công tác tại Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh đã tham gia kiến nghị xin thực hiện thí điểm thực hiện đề án hóa giá nhà và đã được Thành Phố và Trung Ương cho thực hiện thí điểm đầu tiên trên cả nước. Sau khi áp dụng thành công, chính sách hóa giá nhà đã được áp dụng trên cả nước rất thành công. Chính điều  này đã khiến nhiều cán bộ công nhân viên phấn khởi, nhà nước thu đựợc lượng tiền lớn và các nhà hóa giá được bảo quản, nâng cấp để làm đẹp đẽ cả quang cảnh chung của cả thành phố…
Do vậy, nếu cho người dân có quyền sở hữu đất đai, nhân dân cả nước sẽ phấn khởi, sử dụng đất có hiệu quả, tránh được khiếu kiện và tham nhũng trong lĩnh vực đất đai và có khoản thu lớn cho Ngân sách Nhà nước.
Trên đây là một số ý kiến và kiến nghị bổ sung và Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, các ý kiến thể hiện tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao nhất đối với việc sửa đổi Hiến pháp, một sự kiện hệ trọng, có ảnh hưởng lớn đến tương lai của đất nước. Kính mong các đồng chí trong Ban Sửa đổi Hiến pháp sẽ có một sự xem xét khách quan và chính xác nhất, để đảm bảo việc Hiến pháp thể hiện đầy đủ ý chí, nguyện vọng của nhân dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc trong thời đại mới.
Xin chân thành cảm ơn và kính chúc sức khỏe!
Người đóng góp ý kiến
Đặng Thị Hoàng Yến

4 nhận xét:

  1. Đọc góp ý của bà Yến mình thấy việc bà bị bãi miễn cũng hợp lý thôi, vì trình độ của bà hạn chế lắm. Có thể bà là người làm kinh tế giỏi, nhưng về lĩnh vực này lại quá xa lạ với bà nên bà góp ý rất dân dã, quê mùa, không ở tầm của một bà Nghị đại diện cho một nhóm cộng đồng.
    Hiến pháp cần ngắn gọn và bao hàm những cái chung nhất. Bà Yến đặt vấn đề cần đưa quyền "tự do kiện Chính phủ" thêm vào Hiến pháp là thừa. Chính phủ thì cũng là công dân, mọi công dân được quy định là bình đẳng trước pháp luật, vậy quy định thêm điều đó nghĩa là những thành viên Chính phủ không phải là công dân nước Việt à? Nên chăng cần có luật riêng (dưới hiến pháp) để cụ thể hoá và bảo vệ người kiện Chính phủ như bà đề cập... thì hợp lý hơn.

    Trả lờiXóa
  2. Vấn đề thứ 2, bà kêu gọi cho tự do thành lập Đảng với điều kiện "phải cam kết không được nhận tài trợ của cá nhân và các tổ chức của nước ngoài". Điều này không đơn giản. Nếu nhận tiền của Việt kiều thì sao? (Việt kiều có nhiều người chỉ là gốc Việt, hiện tại họ có quốc tịch nước ngoài, là công dân nước ngoài), nếu từ chối nhận tiền của họ là khước từ tấm lòng muốn đóng góp của một bộ phận người Việt ở nước ngoài, liệu như thế có ổn không?. Những khái niệm như người nước ngoài, tổ chức nước ngoài vẫn còn là phạm vi rộng. Nếu hiến pháp nêu như thế sẽ vô cùng nguy hiểm và sẽ gây nên nhiều tranh cãi

    Trả lờiXóa
  3. Vấn đề thứ 3, bà khuyến khích giao quyền sở hữu đất đai cho người dân và cho rằng "nếu cho người dân có quyền sở hữu đất đai, nhân dân cả nước sẽ phấn khởi, sử dụng đất có hiệu quả, tránh được khiếu kiện và tham nhũng trong lĩnh vực đất đai và có khoản thu lớn cho Ngân sách Nhà nước.". Vấn đề này có lẽ thuộc sở trường của bà nên chúng tôi không muốn tranh luận sâu. Riêng việc xác định quyền sở hữu trong hiến pháp đã có câu rất rõ ràng tại điều 57: "Đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên khác, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa, vùng trời và các tài sản khác do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật."
    Quyền sở hữu bao gồm quyền sử dụng và quyền định đoạt. Nếu không có sự thống nhất quản lý xem ra cũng không ổn. chắc bà biết việc người Trung Quốc thông qua công dân Việt Nam để mua đất ở miền Tây Nam Bộ? Bà thử tưởng tượng nếu tình trạng này lan rộng sẽ như thế nào? chủ quyền quốc gia liệu có bị đe doạ không?
    Nếu bà góp ý cần có quy định cụ thể hơn và giao thêm phạm vi quyền sử dụng, chuyển nhượng, mua bán đất cho người dân, nhất là trong trường hợp nhà nước có nhu cầu thu hồi vào mục đích khác để người dân khỏi bị thiệt thòi thì tôi hoàn toàn ủng hộ.

    Trả lờiXóa
  4. Đặng Thị Hoàng Yên, chủ trang Quan Làm Báo dạy con còn không xong góp ý, góp iếc cái gì.

    Các bạn search gúc video với từ khóa "abbi Nguyễn " thì sẽ rõ.

    P/s abbi nguyễn là con gái của bà yến.

    Trả lờiXóa