Lời ngỏ

Kính thưa quý bạn đọc!

Sau khi Quốc hội phát đi lời kêu gọi góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, đã có nhiều ý kiến góp ý công

khai được đăng tải trên mạng chính thức cũng như không chính thức, thể hiện được sự quan tâm của người dân nói chung về việc sửa đổi Hiến pháp lần này; đồng thời, thể hiện rõ tính dân chủ, minh bạch và rất thiện chí trong chủ trương lấy ý kiến đóng góp của Quốc hội...

Trong các ý kiến nêu ra, mỗi ý kiến đều thể hiện góc nhìn, quan điểm, lập trường, trình độ hiểu biết khác nhau, như vậy cũng là dịp để Quốc hội "thấy" được sự đa dạng trong các giai tầng xã hội. Chắc chắn việc tiếp thu ý kiến đóng góp sẽ không thể gom hết, bổ sung hết... mà cần phải sàng lọc, đánh giá và rút tỉa ra được cái tinh tuý vừa mang tính tiến bộ vừa mang tính phổ quát. Để làm được việc này, Quốc hội hẳn sẽ phải làm việc hết sức nghiêm túc, có trách nhiệm và khoa học.

Các ý kiến đóng góp có thể được ghi nhận để bổ sung (toàn bộ, hoặc một phần), cũng có thể chỉ để tham khảo... là công dân có trách nhiệm và có tinh thần xây dựng sẽ không lấy làm bức xúc nếu ý kiến mình chưa được ghi nhận.

Blog này được lập ra nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của Quốc hội. Với mong muốn sẽ là diễn đàn truyền tải đến bạn đọc những ý kiến mang tính xây dựng tích cực; ngược lại, cũng là cơ hội để chỉ ra những sai lầm, thiếu thiện chí từ các ý kiến góp ý được loan truyền trong thời gian qua. Chúng tôi cũng đặc biệt xin phép đăng lại bài viết từ các diễn đàn để phổ biến đến bạn đọc trước khi hỏi ý kiến tác giả, tác giả nào không đồng ý xin vui lòng phản hồi, chúng tôi sẽ rút bài viết xuống.

Trên tinh thần ấy, chúng tôi rất mong được quý bạn đọc quan tâm, ủng hộ!

Liên hệ: tanhienphap2013@gmail.com

Xin trân trọng!

Chủ Nhật, 10 tháng 3, 2013

Cần có Tòa án Bảo hiến

Hôm qua 9.3, tại TP.HCM, Tạp chí Cộng sản và ĐH Quốc gia TP.HCM phối hợp tổ chức buổi tọa đàm khoa học góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
Tại buổi tọa đàm, ông Trần Trọng Tân, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng - nguyên Trưởng ban Tư tưởng văn hóa T.Ư, khẳng định sự cần thiết khi Hiến pháp xác nhận Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội. Tuy vậy, trong điều 4 vẫn chưa nêu rõ ai là người thay mặt Đảng chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Vì thế, cần bổ sung thêm câu: “Tổng bí thư BCH T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam là người chịu trách nhiệm trước Quốc hội về việc thực hiện quy định ở điều 4”.

Về trách nhiệm giám sát hoạt động của Tổng bí thư, ông Tân đề nghị ở điều 120 (chương 10) nên bổ sung: “Hội đồng Hiến pháp kiểm tra việc thực hiện quy định ở điều 4 của Tổng bí thư”. Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, cho biết theo điều 120 (chương 10) thì Hội đồng Hiến pháp chỉ là cơ quan do Quốc hội thành lập. Hội đồng này không phải là một thiết chế có địa vị pháp lý độc lập để thực hiện chức năng tài phán Hiến pháp. Các Hiến pháp trước đây đều có quy định chung về giám sát Hiến pháp. Thế nhưng, do quy định thẩm quyền phân tán cho nhiều cơ quan nhà nước từ T.Ư đến địa phương nên hiệu quả không cao. Vì vậy, nên thành lập Tòa án Hiến pháp chuyên trách và độc lập thay cho Hội đồng Hiến pháp. “Với Tòa án Hiến pháp, chúng ta sẽ có một thiết chế độc lập được Hiến pháp tạo ra. Đây là thiết chế hữu hiệu và có đầy đủ quyền lực để phán quyết về những hành vi vi hiến, đảm bảo sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các nhánh quyền lực”, ông Hậu nói.
Nguyễn Tập

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét