Lời ngỏ

Kính thưa quý bạn đọc!

Sau khi Quốc hội phát đi lời kêu gọi góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, đã có nhiều ý kiến góp ý công

khai được đăng tải trên mạng chính thức cũng như không chính thức, thể hiện được sự quan tâm của người dân nói chung về việc sửa đổi Hiến pháp lần này; đồng thời, thể hiện rõ tính dân chủ, minh bạch và rất thiện chí trong chủ trương lấy ý kiến đóng góp của Quốc hội...

Trong các ý kiến nêu ra, mỗi ý kiến đều thể hiện góc nhìn, quan điểm, lập trường, trình độ hiểu biết khác nhau, như vậy cũng là dịp để Quốc hội "thấy" được sự đa dạng trong các giai tầng xã hội. Chắc chắn việc tiếp thu ý kiến đóng góp sẽ không thể gom hết, bổ sung hết... mà cần phải sàng lọc, đánh giá và rút tỉa ra được cái tinh tuý vừa mang tính tiến bộ vừa mang tính phổ quát. Để làm được việc này, Quốc hội hẳn sẽ phải làm việc hết sức nghiêm túc, có trách nhiệm và khoa học.

Các ý kiến đóng góp có thể được ghi nhận để bổ sung (toàn bộ, hoặc một phần), cũng có thể chỉ để tham khảo... là công dân có trách nhiệm và có tinh thần xây dựng sẽ không lấy làm bức xúc nếu ý kiến mình chưa được ghi nhận.

Blog này được lập ra nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của Quốc hội. Với mong muốn sẽ là diễn đàn truyền tải đến bạn đọc những ý kiến mang tính xây dựng tích cực; ngược lại, cũng là cơ hội để chỉ ra những sai lầm, thiếu thiện chí từ các ý kiến góp ý được loan truyền trong thời gian qua. Chúng tôi cũng đặc biệt xin phép đăng lại bài viết từ các diễn đàn để phổ biến đến bạn đọc trước khi hỏi ý kiến tác giả, tác giả nào không đồng ý xin vui lòng phản hồi, chúng tôi sẽ rút bài viết xuống.

Trên tinh thần ấy, chúng tôi rất mong được quý bạn đọc quan tâm, ủng hộ!

Liên hệ: tanhienphap2013@gmail.com

Xin trân trọng!

Chủ Nhật, 10 tháng 3, 2013

Suy nghĩ về Điều 4 của Hiến pháp

Về việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992, có ý kiến cho rằng, vai trò lãnh đạo của Đảng được thực hiện là từ Đảng có chủ trương đúng, ý Đảng hợp lòng dân, có cán bộ đảng viên đi trước nêu gương, không cần phải có Hiến pháp cho phép. Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, không có điều khoản quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng, nhưng Đảng vẫn lãnh đạo được nhân dân đấu tranh giành thắng lợi trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Từ đó, họ đề nghị, tới đây khi sửa đổi Hiến pháp nên xóa bỏ Điều 4.
Để bàn về ý kiến này, cần tìm hiểu kỹ Điều 4 trong Hiến pháp.

Trước Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 1980 ở Điều 4 đã có ghi:
“Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong và Bộ Tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân Việt Nam được vũ trang bằng học thuyết Mác - Lênin là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội; là nhân tố chủ yếu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đảng tồn tại và phấn đấu vì lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam. Các tổ chức Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp”.
Đến Hiến pháp năm 1992, Điều 4 có sửa lại “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.
Như vậy, Hiến pháp thừa nhận Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội chứ không phải cho phép Đảng được lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Hiểu Điều 4 của Hiến pháp như là “giấy phép” cho Đảng là không đúng. “Giấy phép” cho Đảng có vai trò lãnh đạo chính là lòng tin yêu của nhân dân. Từ khi Đảng ra đời đến nay, do ý Đảng hợp lòng dân nên Đảng đã lãnh đạo được nhân dân ta đấu tranh giành được hết thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Hiến pháp không phải là “giấy phép” cho Đảng có vai trò lãnh đạo nhưng vì trong xã hội có lực lượng của nhiều tổ chức chính trị - xã hội khác nhau nên sự thừa nhận chính thức vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội trong Hiến pháp là rất cần thiết. Với sự thừa nhận đó, Đảng có trọng trách trong việc lãnh đạo xây dựng bộ máy chính quyền, trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, trong việc phát huy sức mạnh tổng hợp của dân tộc và thời đại để giành thắng lợi cho cách mạng.
Sau thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng 8-1945, mục tiêu độc lập, tự do, hạnh phúc được thực hiện theo cơ chế chung là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.
Quyền làm chủ của nhân dân được thực hiện qua việc bầu ra Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của mình, để quản lý toàn xã hội bằng luật pháp. Quốc hội ban hành Hiến pháp là luật gốc. Điều 4 trong Hiến pháp là chỗ dựa pháp lý để Nhà nước quản lý tổ chức và hoạt động của Đảng.
Từ khi nhân dân ta có Đảng lãnh đạo, các thế lực thù địch với cách mạng Việt Nam luôn chĩa mũi nhọn của chúng vào việc chống phá Đảng. Sự thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng như trong Điều 4 của Hiến pháp là cơ sở pháp lý để trừng trị những kẻ có hành vi cố tình xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng, chia rẽ Đảng với nhân dân, kích động nhân dân chống lại Đảng hòng mưu toan lật đổ chính quyền cách mạng, thay đổi chế độ xã hội để nhân dân không còn có quyền làm chủ.
Điều 4 của Hiến pháp năm 1992 không chỉ thừa nhận Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, mà còn quy định điều kiện Đảng phải có để giữ được vai trò lãnh đạo. Điều kiện đó là Đảng phải gắn bó chặt chẽ với giai cấp công nhân, phải là đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc. Mọi tổ chức của Đảng phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Nếu Đảng không tự xây dựng được mình theo những điều kiện đó thì Đảng không có tư cách là Đảng lãnh đạo.
Về phía nhân dân ta, để giữ cho vai trò lãnh đạo của Đảng được bền vững cũng cần có ý thức về điều kiện nêu ra ở Điều 4 của Hiến pháp để giám sát việc xây dựng Đảng, buộc Đảng phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, phải tôn trọng Quốc hội, cơ quan quyền lực của Nhà nước cao nhất của dân, do dân bầu ra, không cho phép Đảng lãnh đạo trở thành đảng trị với những đặc quyền đặc lợi.
Các đại biểu Quốc hội do dân bầu ra cũng cần dựa vào Điều 4 của Hiến pháp để đấu tranh làm cho Quốc hội tiếp thu và thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chính sách đúng của Đảng, đồng thời phải tích cực đóng góp ý kiến để Quốc hội phê bình khi có dấu hiệu Đảng vi phạm các điều kiện được quy định ở Điều 4 của Hiến pháp.
Đề ra được Điều 4 như trong Hiến pháp năm 1992 là rất cần, rất hay nhưng không phải lúc nào cũng làm được. Hiến pháp năm 1946 không thể có quy định về sự thừa nhận Đảng lãnh đạo, vì trong tình thế đặc biệt, ngày 11-11-1945, Đảng ta đã ra tuyên bố tự giải tán để hoạt động dưới danh nghĩa Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác. Hiến pháp năm 1959 cũng không thể có quy định như Điều 4, vì đất nước còn bị chia cắt, Đảng bộ ở miền Nam còn phải hoạt động bí mật, chính quyền Diệm theo Mỹ đang thi hành “diệt cộng tố cộng” rất quyết liệt, dân rất sợ bị địch chụp mũ là “Việt cộng”.
Tới đây, khi sửa đổi Hiến pháp, đề nghị vẫn giữ Điều 4, có bổ sung thêm quy định về việc xử lý kỷ luật của Quốc hội đối với tổ chức Đảng ở cấp Trung ương và địa phương khi có dấu hiệu vi phạm Hiến pháp và pháp luật. Sau khi Hiến pháp 1992 sửa đổi, được ban hành cần sớm có luật cụ thể để thực hiện Điều 4.
Trong Hiến pháp sửa đổi tới đây, nên có quy định thành lập cơ quan Thanh tra của Quốc hội và Tòa án bảo vệ Hiến pháp, bảo đảm cho Hiến pháp là luật gốc, phải được thực hiện nghiêm.
Ông Trần Trọng Tân
Nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét