Lời ngỏ

Kính thưa quý bạn đọc!

Sau khi Quốc hội phát đi lời kêu gọi góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, đã có nhiều ý kiến góp ý công

khai được đăng tải trên mạng chính thức cũng như không chính thức, thể hiện được sự quan tâm của người dân nói chung về việc sửa đổi Hiến pháp lần này; đồng thời, thể hiện rõ tính dân chủ, minh bạch và rất thiện chí trong chủ trương lấy ý kiến đóng góp của Quốc hội...

Trong các ý kiến nêu ra, mỗi ý kiến đều thể hiện góc nhìn, quan điểm, lập trường, trình độ hiểu biết khác nhau, như vậy cũng là dịp để Quốc hội "thấy" được sự đa dạng trong các giai tầng xã hội. Chắc chắn việc tiếp thu ý kiến đóng góp sẽ không thể gom hết, bổ sung hết... mà cần phải sàng lọc, đánh giá và rút tỉa ra được cái tinh tuý vừa mang tính tiến bộ vừa mang tính phổ quát. Để làm được việc này, Quốc hội hẳn sẽ phải làm việc hết sức nghiêm túc, có trách nhiệm và khoa học.

Các ý kiến đóng góp có thể được ghi nhận để bổ sung (toàn bộ, hoặc một phần), cũng có thể chỉ để tham khảo... là công dân có trách nhiệm và có tinh thần xây dựng sẽ không lấy làm bức xúc nếu ý kiến mình chưa được ghi nhận.

Blog này được lập ra nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của Quốc hội. Với mong muốn sẽ là diễn đàn truyền tải đến bạn đọc những ý kiến mang tính xây dựng tích cực; ngược lại, cũng là cơ hội để chỉ ra những sai lầm, thiếu thiện chí từ các ý kiến góp ý được loan truyền trong thời gian qua. Chúng tôi cũng đặc biệt xin phép đăng lại bài viết từ các diễn đàn để phổ biến đến bạn đọc trước khi hỏi ý kiến tác giả, tác giả nào không đồng ý xin vui lòng phản hồi, chúng tôi sẽ rút bài viết xuống.

Trên tinh thần ấy, chúng tôi rất mong được quý bạn đọc quan tâm, ủng hộ!

Liên hệ: tanhienphap2013@gmail.com

Xin trân trọng!

Thứ Hai, 6 tháng 5, 2013

Lựa chọn cơ chế bảo hiến: Quan trọng là thực quyền


Ước tính trên thế giới hiện có khoảng 70 nước có cơ chế bảo hiến bằng Tòa án Hiến pháp.

“Hiến pháp (HP) cần được bảo vệ với cơ chế đặc biệt, chống lại những vi phạm. Điều đó không có nghĩa rằng cơ chế này cướp đi miếng bánh quyền lực của ai đó, hay cơ quan nào đó”. PGS-TS Nguyễn Như Phát (Viện trưởng Viện Nhà nước và pháp luật) nhấn mạnh như vậy tại phiên khai mạc hội thảo “Cơ chế bảo hiến – kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho VN” do Viện Nhà nước và pháp luật – Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN phối hợp với Văn phòng Konrad-Adenauer-Stiftung (KAS) tổ chức trong hai ngày (6 và 7-5).
Bốn mô hình bảo vệ HP
GS-TS Jorg Menzel (ĐH Tổng hợp Bonn, CHLB Đức) đã giới thiệu về bốn loại mô hình bảo hiến trên thế giới: 1 – Không có cơ chế bảo hiến độc lập, quyết định của Nghị viện (QH) là tối thượng, tòa án không được phép can thiệp; 2 – Hệ thống các tòa tư pháp (nhiều nước giao cho tòa án tối cao) có thẩm quyền kiểm hiến (phán quyết về tính hợp hiến); 3 – Tòa án HP; 4 – Hội đồng HP.
So sánh các mô hình bảo hiến, GS Menzel nhận xét Tòa án HP có tính chính trị nhiều hơn và nền tảng pháp lý cao hơn hệ thống các tòa án tư pháp thông thường. Ước tính trên thế giới hiện có khoảng 70 nước có cơ chế bảo hiến bằng Tòa án HP, khoảng 20 nước do tòa án tối cao đảm trách nhiệm vụ bảo hiến; chỉ có khoảng 15 nước theo mô hình Hội đồng HP.
GS-TS Jorg Menzel (ĐH Tổng hợp Bonn, CHLB Đức) cho rằng việc lựa chọn mô hình bảo hiến không quan trọng ở cái tên mà quyết định là ở thực quyền trao cho thiết chế đó.
Tuy nhiên, GS Menzel cũng cho rằng khó có thể nói Tòa án HP là xu hướng cơ chế bảo hiến phổ quát, hay đó là mô hình ưu việt nhất. Vì mỗi quốc gia trao quyền lực cho thiết chế bảo hiến này khác nhau. Điển hình như Hội đồng HP của Pháp có quyền lực rất lớn, mà nhiều Tòa án HP khác không có được. Mặc dù vậy, có thực tế là những quốc gia đã thành lập Tòa án HP thì không xóa bỏ thiết chế này. “Vấn đề lựa chọn cơ chế bảo hiến không quan trọng ở việc lựa chọn tên gọi mô hình nào mà điều quyết định chính là quyền lực thực sự của thiết chế bảo hiến đó” – chuyên gia này nhận xét.
Ủng hộ mô hình tòa án HP
GS-TS Thái Vĩnh Thắng (ĐH Luật Hà Nội) phân tích, mô hình bảo hiến bằng hệ thống tòa án tư pháp thuận lợi cho người dân dễ tiếp cận, phù hợp với xu hướng quốc tế (có 29% các nước trên thế giới áp dụng). Tuy nhiên, mô hình này có khó khăn do bản lĩnh thẩm phán, khả năng phán quyết chưa đồng đều, chưa đáp ứng mức độ phức tạp công việc.
Trong khi đó, Hội đồng HP có thẩm quyền hạn chế, dự báo hiệu lực hiệu quả không cao, không phù hợp xu hướng quốc tế (chỉ có 8% nước áp dụng) nhưng đang là giải pháp an toàn chính trị, được giới lãnh đạo ủng hộ cao. Với mô hình này, hầu hết cựu tổng thống đều là thành viên đương nhiên của Hội đồng HP, mà các cựu tổng thống là người từng đứng đầu bộ máy hành pháp, đảng phái nên mô hình này mang nặng tính chính trị, khó có quyết định khách quan. Kinh nghiệm Thái Lan, trước khi thành lập Tòa án HP họ cũng có thành lập Ủy ban HP nhưng 7-8 năm trời hoạt động cũng không tỏ rõ hiệu quả.
GS Thắng cũng băn khoăn các nước theo mô hình Hội đồng HP chỉ có Pháp và một số nước châu Phi, chủ yếu là các nước thuộc địa cũ của Pháp, nay VN cũng áp dụng mô hình này chỉ e tâm tư nhiều người Việt lấn cấn. “Như vậy, xem ra cần có một mô hình bảo hiến nặng về tư pháp hơn, nên chọn tòa án HP” – ông Thắng nêu quan điểm.
Không có nghĩa là “bịt kín”

Cả hai mô hình Hội đồng HP và Tòa án HP đều có những ý tưởng hay, đều có ưu thế và hạn chế, đặt ra nhiều vấn đề cần thảo luận. Tuy trong Dự thảo sửa đổi HP 1992 đã chọn mô hình Hội đồng HP nhưng chỉ là bước đầu đề xuất một cơ chế bảo hiến, không có nghĩa “bịt kín” con đường lựa chọn những mô hình khác. Những góp ý từ hội thảo sẽ cung cấp thông tin quan trọng giúp Ban biên tập Dự thảo sửa đổi HP hoàn thiện thiết chế bảo hiến hữu hiệu hơn.

Mô hình Hội đồng HP còn nhiều hạn chế, đây chưa phải cơ quan tài phán mà chỉ là cơ quan bổ trợ thêm cho các cơ quan bảo hiến hiện hành. Thực tế, VN cũng đã có cơ chế bảo hiến không chuyên trách, thông qua hoạt động giám sát, kiểm tra của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền: QH kiểm soát hoạt động Chính phủ, Chính phủ kiểm soát hoạt động chính quyền địa phương, Ủy ban Thường vụ QH, Hội đồng dân tộc… thực hiện giám sát. Trong đó, Ủy ban Pháp luật của QH được xem là cơ quan chuyên trách nhất trong vấn đề bảo hiến.

Tuy vậy, do có quá nhiều cơ quan tản mát cùng thực hiện nhiệm vụ bảo hiến nên vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. VN muốn có một cơ chế bảo hiến chuyên nghiệp hơn để bổ sung cho cơ chế hiện hành. Và ngay cả khi có Tòa án HP hay Hội đồng HP thì không có nghĩa loại bỏ mà sẽ vẫn tiếp tục cơ chế bảo hiến hiện hành do đặc thù hệ thống chính trị VN.

PGS-TS Lê Minh Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, Phó trưởng Ban biên tập Dự thảo sửa đổi HP 1992

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét